Những đứa trẻ không bất hạnh
Một bữa cơm của những đứa trẻ đang sinh sống dưới mái nhà của Trung tâm bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên. Dưới ngôi nhà chung, sống trong tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ của những cán bộ, nhân viên mà bọn trẻ đều gọi chung bằng cái tên trìu mến là các bố, các mẹ, những đứa trẻ xa lạ trở thành anh, chị em một nhà, thương yêu nhau như người ruột thịt.
Giờ vui chơi của các em tại Trung tâm bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên |
Tại Trung tâm bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên hiện đang nôi dưỡng, chăm sóc 73 đối tượng, trong đó có hơn 20 trẻ em. Các em là trẻ bị bỏ rơi, trẻ nhiễm HIV-AIDS, trẻ khuyết tật không người chăm sóc, trẻ là con các phạm nhân đang thụ án trong các trại giam trên địa bàn tỉnh. Các em được đưa về đây nuôi dưỡng, chăm sóc, được chăm chút để các em có thể vơi bớt phần nào những điều không may mắn trong cuộc sống; và quan trọng hơn cả, là để các em có một tuổi thơ đúng nghĩa cần có của một đứa trẻ.
Khi được hỏi, các em đều vui vẻ: “Đến đây con rất vui, con có các bố, các mẹ, con được đến trường”; “Ở đây con được học vẽ, học nhẩy, học múa, học tiếng Anh”.
Ở tại Trung tâm, các em được phục vụ 3 bữa/ngày, quan tâm chế độ trong các ngày Lễ, Tết… đảm bảo đúng chế độ, đủ số lượng - chất lượng; luôn cải thiện bữa ăn; quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, trẻ em khuyết tật; đồng thời phục vụ chế độ ăn uống phù hợp với yêu cầu sức khỏe của từng đối tượng. Trung tâm cũng tổ chức cho trẻ em tham gia lao động, vệ sinh tập thể; thực hiện phân lịch trực dọn vệ sinh nội vụ hàng ngày; tích cực tham gia phụ bếp nấu ăn tập thể để giúp các em nâng cao kỹ năng gia chánh và kỹ năng sống. Quản lý, đôn đốc trẻ em học tập tại các Trường phổ thông, Trường nghề trong tỉnh đúng thời gian biểu. Tăng cường quản lý, giám sát trẻ trong thời gian nghỉ học; đảm bảo phòng học cho trẻ học trực tuyến theo quy định của Nhà trường, góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thường xuyên giữ mối liên hệ giữa Nhà trường và người giám hộ của trẻ để phối hợp quản lý, giáo dục trẻ, kịp thời chấn chỉnh khi các cháu vi phạm khuyết điểm.
Tổng kết năm học 2019 - 2020, 100% các cháu được lên lớp; trong đó có 01 cháu hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện, 01 cháu đạt danh hiệu “Học sinh tiên tiến”. Duy trì hoạt động nuôi dạy trẻ em khuyết tật, trẻ em HIV/AIDS tại Trung tâm như: hướng dẫn trẻ vệ sinh nội vụ, vệ sinh cá nhân; dạy múa, hát (03 buổi/tuần); dạy chữ (05 buổi/tuần); dạy Tiếng Anh cho trẻ ở lứa tuổi mầm non (01 buổi/tuần)… giúp trẻ được trang bị các kỹ năng phù hợp và tạo dựng môi trường hòa nhập cho trẻ.
Chị Lý Thùy Dung, Cán bộ Trung tâm bảo trợ và công tác xã hội Thái Nguyên chia sẻ: “Chúng tôi nhiều khi phải hóa thân vào các con để hòa nhập, để giao tiếp, để áp dụng biện pháp giáo dục cho phù hợp”.
Được nuôi dưỡng trong tình yêu thương, được tạo điều kiện tốt nhất để học tập, đa số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt sống tại Trung tâm đạt kết quả học tập tốt, có đủ năng lực hòa nhập cộng đồng. Năm học vừa qua, có cháu đỗ thủ khoa Đại học Y Dược Thái Nguyên; nhiều cháu đang được tiếp tục cho học nghề để có nhiều hơn cơ hội khi bước ra ngoài xã hội. Đó chính là minh chứng quan trọng nhất cho nỗ lực của cán bộ, nhân viên Trung tâm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.
Ông Nguyễn Đức Dân, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội Thái Nguyên cho biết: “Chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu về chế độ ăn được Nhà nước, được tỉnh hỗ trợ đảm bảo chất lượng. Công tác phục vụ, công tác y tế cũng được quan tâm thường xuyên, hàng ngày, các cháu được thăm khám, chăm sóc, trường hợp nặng sẽ chuyển các cháu đến bệnh viện”.
Chứng kiến không khí gia đình ấm áp, yêu thương tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội Thái Nguyên càng thấy rõ hơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các đối tượng yếu thế khác luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc toàn diện từ các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội. Sự quan tâm đó tạo thành “giá đỡ” cho các các em có thêm sức mạnh, niềm tin vượt lên hoàn cảnh, trở thành người có ích.