Tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh thành
Nhằm tìm kiếm nguồn hàng trên cả nước cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh, trong đó ưu tiên phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán, bổ sung nguồn cung hàng bình ổn thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước và các sản phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh thành phố vào ngày 25/11.
Tăng cường kết nối
Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, sau 5 năm thực hiện chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa đã có 1.250 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các địa phương. Trong đó, có 886 hợp đồng đã được triển khai thực hiện với tổng giá trị lên đến hơn 20.000 tỷ đồng. TP Hồ Chí Minh đã tiêu thụ hàng hóa các tỉnh, thành trị giá hơn 13.500 tỷ đồng và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành hơn 6.500 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết TP Hồ Chí Minh không chỉ là thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn của cả nước, mà còn là đầu mối chế biến, kinh doanh, cung cấp nông sản cho các tỉnh và xuất khẩu. Đồng thời, cũng là nơi tiếp nhận phần lớn khối lượng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Do đó, chương trình kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh có ý nghĩa, vai trò rất lớn đối với thành phố. Thành phố mong muốn nhận được sự quan tâm, phối hợp của các tỉnh thành nhiều hơn để cung cầu gặp nhau, đồng thời cũng giúp cho người tiêu dùng có được giá cả phải chăng với chất lượng tốt.
Sản phẩm của các tỉnh tham gia trưng bày tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành năm 2016. |
Hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp sản xuất hàng đặc sản tại các tỉnh phía Bắc chưa kết nối được với thị trường thành phố nên thông qua hội nghị này, các đơn vị cũng rất mong muốn được kết nối.
Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty Kim Bôi (Hòa Bình), cho biết bà rất mong muốn các sản phẩm đặc sản, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm như măng tươi, măng khô, rau củ quả, mơ muối, gừng muối….của miền núi Tây Bắc được vào hệ thống phân phối rộng lớn của thành phố.
“Người tiêu dùng thành phố có thể yên tâm dùng sản phẩm của đơn vị mà không phải lo về chất độc hại hay mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn 30 sản phẩm các loại đang được bán với giá rất phải chăng để khuyến khích người tiêu dùng biết đến các đặc sản Tây Bắc. Ngoài ra, khi các đơn vị kết nối được với thành phố còn giúp đơn vị giải quyết việc làm cho bà con dân tộc miền núi Tây Bắc bền vững hơn”, bà Hà cho biết thêm.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Chiến, đại diện Hợp tác xã tỉnh Long An, cho biết khó khăn lớn của người sản xuất là đầu ra sản phẩm. Hiện nay, đơn vị đang khó khăn khi tìm đầu ra cho quả chanh. Thực tế, cách đây 9 năm quả chanh của hợp tác xã cũng đã có mặt ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng năm gần đây, khi chanh được giá người dân đua nhau trồng ồ ạt, khiến chanh rớt giá. Nông dân thấy bị ép giá nên quay ra làm hàng sạch, tuy nhiên do cách làm manh mún, diện tích canh tác ít, không có sản lượng lớn nên việc tiêu thụ chanh sạch rất bấp bênh. Thông qua hội nghị kết nối lần này, đơn vị muốn mặt hàng này sẽ tìm được nơi tiêu thụ tốt để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Phối hợp kiểm soát chất lượng hàng hóa
Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương, TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong việc chủ động kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh thành. Qua 5 năm, chương trình cho thấy những hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Chương trình này đã giúp việc tiêu thụ thông suốt hơn, hàng hóa địa phương nhờ đó mà tiếp cận được với người tiêu dùng thành phố. Người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa đặc sản vùng miền, hàng hóa chất lượng hơn.
“Để chương trình ngày càng hiệu quả hơn, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phải làm sao kết hợp đồng bộ với nhau để kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa vào kênh phân phối. Doanh nghiệp sản xuất vì nâng cao chất lượng, thương hiệu của mình cũng cần tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt để người tiêu dùng tin yêu. Các hợp đồng kí kết cần hiệu quả chứ không chỉ kí kết trên giấy bởi từ kí đến thực hiện là cả một quá trình. Các nhà quản lý, đơn vị cần phải kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm, doanh nghiệp khi thực hiện các kí kết cung – cầu”, bà Thoa cho biết thêm.
Người tiêu dùng thành phố có cơ hội tiếp cận các sản phẩm đặc sản vùng miền từ chương trình kết nối cung cầu 2016. |
Trong khi đó, ông Lê Thanh Liêm cũng cho biết, để phát huy hiệu quả hơn nữa, sắp tới Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cần theo dõi, đánh giá hiệu quả để có những tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp. Sở Công thương các tỉnh cũng cần phát huy vai trò kết nối, điều phối để doanh nghiệp ở địa phương tham gia đều là những doanh nghiệp có uy tín, chất lượng.
Thành phố và các tỉnh thành Đông Nam bộ, Tây Nam bộ vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung - cầu theo chiều sâu và chiều rộng, các doanh nghiệp thành phố sẽ tăng cường bao tiêu các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, HACCP... cho người sản xuất tại các tỉnh thành trong cả nước.
Dịp này, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đã có 400 biên bản ghi nhớ giữa 638 nhà cung ứng, 124 doanh nghiệp xuất khẩu, 42 hệ thống phân phối để sẵn sàng cung ứng bao tiêu sản phẩm lẫn nhau.