Tái cấu trúc ngành học trước yêu cầu của thực tiễn
Trường Đại học CNTT và Truyền thông từng bước tái cấu trúc đối với các ngành học, chương trình đào tạo. |
Năm học 2023 - 2024 Trường Đại học CNTT và Truyền thông có trên 2.600 tân sinh viên nhập học, nâng tổng số sinh viên của toàn trường là gần 7.800 người. Trong đó các ngành, chương trình đào tạo được trường ưu tiên đào tạo nhiều vẫn chủ yếu là: nhóm ngành CNTT, kỹ thuật công nghệ số, Mỹ thuật – truyền thông báo chí, kinh tế - quản trị số, liên kết quốc tế chất lượng cao. Ngoài ra, việc sắp xếp, tái cấu trúc đối với các ngành học, chương trình đào tạo có số lượng ít sinh viên theo học cũng từng bước được trường thực hiện.
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học CNTT và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên cho biết: "Do yếu tố khách quan như xu thế có sự biến đổi việc truyền thông thông tin đến sinh viên chưa được đầy đủ, vì vậy chúng có nhiều giải pháp khác nhau như tái cấu trúc, sắp xếp lại về ngành nghề và chương trình đào tạo cho sinh viên để đáp ứng được nhu cầu việc làm sau khi các em ra trường".
Đại học Thái Nguyên đang có trên 140 ngành đào tạo trình độ đại học với trên 250 chương trình đào tạo; khoảng 150 ngành đào tạo các trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa y dược, bác sĩ nội trú và đào tạo trình độ cao đẳng. Ngoài ra, các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao và trọng điểm định hướng chất lượng cao cũng được Đại học Thái Nguyên triển khai. Trong 3 năm trở lại đây, toàn đại học cũng đã mở mới khoảng 20 ngành đào tạo trình độ đại học, 5 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 5 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Một số ngành có số lượng tuyển sinh tốt như: Hàn Quốc học, Trung Quốc học, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên, có 17 ngành đào tạo của các trường cũng bị dừng tuyển sinh hoặc đóng ngành để đảm bảo chất lượng đào tạo của đại học.
Đại học Thái Nguyên hiện đang có trên 140 ngành đào tạo trình độ đại học. |
TS Lê Hồng Thắng, Hiệu trưởng Trường Ngoại ngữ, Đại học Thái Nguyên thông tin: "Trường Ngoại ngữ hiện nay cũng đang triển khai các hướng mở với một số ngành đào tạo, trong đó có tiếng Hàn, tiếng Nhật. Tuy nhiên việc mở mới các ngành đào tạo đó mặc dù nhu cầu xã hội rất cao, nhưng để mở mới các ngành đào tạo đó cần phải đáp ứng một loạt các yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chúng tôi cũng hy vọng 2024 sẽ có thêm một số ngành đào tạo mới để đáp ứng hơn nữa nhu cầu của thị trường lao động".
Hiện nay, ngoài nguyên nhân cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo trong tuyển sinh thì vấn đề cấp thiết phải mở mới các ngành theo nhu cầu xã hội cũng là nguyên nhân khiến một số ngành học phải tạm dừng như hiện nay. Thực tế này cho thấy sự phát triển tất yếu của việc giáo dục đi đôi với tạo việc làm; cũng như đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải đổi mới để phù hợp với thực tiễn./.