Hàng chục năm trở lại đây, chưa năm nào hệ thống ngân hàng lại trong tình trạng “cháy” tiền cho vay như năm 2022. Tại Thái Nguyên, tính đến cuối tháng 6/2022, khi chặng đường kế hoạch năm mới thực hiện được một nửa, thì dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đạt trên 79 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, theo kế hoạch, tăng trưởng tín dụng cả năm là 12%. Vì thế, nhiều ngân hàng đã đồng loạt xin tăng thêm chỉ tiêu tín dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu vay trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, số ngân hàng được đáp ứng không nhiều và chỉ tiêu giao thêm cũng không đáng kể so với nhu cầu trên thực tế. Điều này cho thấy phần nào của sự phục hồi nhanh của nền kinh tế sau đại dịch.

Sự phục hồi của nền kinh tế - Nhìn từ tăng trưởng tín dụng
Nhiều ngân hàng đồng loạt xin tăng thêm chỉ tiêu tín dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu vay của tổ chức, doanh nghiệp

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Nhu cầu vốn cao trong những thời điểm nhất định trong năm 2022 thì có nhiều ngân hàng không có vốn để giải ngân nhưng cũng có thực tế nhiều doanh nghiệp cũng không đủ điều kiện để tiếp cận vốn tín dụng"

Dù nhu cầu về vốn còn rất lớn, nhưng trong những tháng cuối năm 2022, việc tiếp cận vốn tín dụng gặp nhiều khó khăn, do nhiều ngân hàng trên địa bàn đã cạn hạn mức và lãi suất cho vay cũng tăng cao dần. Bởi vậy, bước sang năm 2023, khi hạn mức tín dụng được mở, nhiều doanh nghiệp không khỏi vui mừng kỳ vọng, sẽ dễ dàng tiếp cận vốn vay để phục hồi hoạt động và mở rộng sản xuất.

Sự phục hồi của nền kinh tế - Nhìn từ tăng trưởng tín dụng

Ông Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc Công ty CP May Thành Hưng chia sẻ: "Lãi suất có tăng nhưng với doanh nghiệp chúng tôi thì không phải là vấn đề mấu chốt, mà chúng tôi mong muốn là tiếp cận được nguồn vốn khi doanh nghiệp chúng tôi gặp khó khăn để đảm bảo sự ổn định của doanh nghiệp và người lao động"

Ông Trần Bá Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thành Đạt phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên chia sẻ thêm: "Năm nay chúng tôi hy vọng các tổ chức tín dụng tập trung tạo mọi điều kiện cho những doanh nghiệp trực tiếp sản xuất như chúng tôi tiếp cận nguồn vốn linh hoạt và tốt hơn nữa"

Sự phục hồi của nền kinh tế - Nhìn từ tăng trưởng tín dụng
Năm 2023, các doanh nghiệp hy vọng tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng, nhanh chóng

Tuy nhiên, việc lãi suất cho vay tăng cao từ cuối năm 2022 cũng tác động không nhỏ tới lợi nhuận của doanh nghiệp và sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch. Ở chiều ngược lại, áp lực lãi suất cũng khiến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng không tăng, thậm chí là giảm. Tính đến hết tháng 2, chưa đến một nửa số ngân hàng thương mại trên địa bàn có mức tăng trưởng dương; còn lại là tăng trưởng âm. Trước thực tế này, Ngân hàng nhà nước đã nhanh chóng có chỉ đạo đối với hệ thống ngân hàng thương mại, nhằm điều chỉnh lãi suất ở cả hai chiều để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Dù vậy, nhưng theo đánh giá sự phục hồi kinh tế vẫn còn nhiều rào cản.

Sự phục hồi của nền kinh tế - Nhìn từ tăng trưởng tín dụng

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đánh giá: "Sau thời kỳ đại dịch thì kinh tế của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có sự phát triển, tuy nhiên việc đầu tư vào các dự án mới thì còn rất ít cho nên việc hấp thụ vốn trung và dài hạn cần huy động lượng vốn lớn trong hệ thống ngân hàng còn hạn chế"

Rõ ràng, kịch bản tăng trưởng kinh tế phụ thuộc không nhỏ vào kịch bản của thị trường tín dụng. Theo đánh giá của Ngân hàng nhà nước, nhu cầu vay vốn sẽ còn tăng ở những tháng tiếp theo, khi mà nền kinh tế đã thích ứng linh hoạt hơn với sự tác động kép của tình hình thế giới và việc Trung Quốc gỡ bỏ chính sách “Zero Covid”.