su lanh dao cua quan uy trung uong doi voi tuyen chi vien chien luoc truong son
Đường Trường Sơn. Nguồn ảnh: Tạp chí Giao Thông

Đường Trường Sơn đã đóng vai trò to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam và là một biểu tượng sáng ngời của quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, của ý chí và quyết tâm thống nhất đất nước, của sức mạnh tinh thần và trí tuệ Việt Nam đã chiến thắng sức mạnh vật chất, kỹ thuật hiện đại của đế quốc Mỹ. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đánh giá: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam-Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường tương lai giàu có của đất nước ta. Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc ba nước Đông Dương”.

Năm 1959, Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15, khóa II ra đời đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh theo con đường sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng. Đến Đại hội III (tháng 9-1960), Đảng chủ trương tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng, cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, chỉ rõ vị trí, mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng. Trong đó khẳng định: Cách mạng XHCN ở miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với cách mạng Việt Nam và sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Miền Bắc trở thành hậu phương lớn, hậu phương chiến lược chi viện cho cách mạng miền Nam. “Miền Bắc phải đảm bảo đầy đủ về vật chất kỹ thuật cho bộ đội. Đây là yếu tố cơ bản để giành thắng lợi”. Nhưng, bằng cách nào để chuyển sức mạnh từ hậu phương chiến lược miền Bắc vào miền Nam, tất yếu phải xây dựng tuyến chi viện chiến lược gồm hệ thống giao thông, hệ thống cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật, hệ thống phương tiện vận chuyển cùng những lực lượng tiến hành công tác bảo đảm, vận chuyển và bảo vệ…

Từ những con đường mòn sơ khai đã tồn tại hàng thế kỷ dành cho việc giao thông buôn bán trong vùng, thời kỳ chống thực dân Pháp, ta đã khai thác thành con đường nối liền hai miền Nam-Bắc để di chuyển cán bộ, tránh sự truy quét của quân Pháp. Đầu năm 1959, Bộ Chính trị chủ trương mở tuyến đường chiến lược miền Tây các tỉnh từ Thanh Hóa tới Quảng Bình, như: Đường 7, đường 8, đường 12… Tiếp đó, ngày 6-5-1959, hội nghị về xây dựng đường giao thông chi viện ở Quân khu 4 gồm đại diện các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông-Bưu điện, Tỉnh ủy Quảng Bình do đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thay mặt Tổng Quân ủy chủ trì. Hội nghị quyết tâm xây dựng đường vận chuyển từ Lương Thiên (phía nam Quảng Bình) đi Ba Lu. Tiếp đó, ngày 19-5-1959, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức “Đoàn Công tác quân sự đặc biệt” còn gọi là Đoàn 559. Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh đã trực tiếp truyền đạt Chỉ thị của Bộ Chính trị: “Phải mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam để chuyển nhân tài, vật lực vào, cùng đồng bào miền Nam đấu tranh giải phóng… Bước đầu mở con đường này với phương châm tuyệt đối bí mật và an toàn”. Ngày 12-9-1959, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 446/NĐ, thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng, hợp thức hóa về mặt pháp lý việc thành lập Đoàn Vận tải quân sự 559, có quyền hạn tương đương cấp sư đoàn. Chuyến hàng đầu tiên được vận chuyển bằng gùi ngày 13-8-1959, ngày 20-8, hàng được giao cho Khu ủy Khu 5 tại Tà Riệp thắng lợi.

Hết mùa khô năm 1960-1961, mặc dù bị địch đánh phá khá ác liệt tuyến chi viện chiến lược, nhưng Đoàn 559 cũng đạt được được một số kết quả nhất định, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của chiến trường đang đòi hỏi ngày càng cao. Quân ủy Trung ương đã thống nhất và phối hợp với lực lượng bộ đội Pathet Lào, giải phóng dọc Đường 9 và Đường 8 để mở mới con đường chiến lược sườn tây dãy Trường Sơn, phục vụ nhu cầu vận chuyển cho chiến trường miền Nam và Nam Lào.

Mặc dù các lực lượng của ta đã nỗ lực, nhưng tổng kết năm 1961, khối lượng vận chuyển chỉ đạt được 50% kế hoạch, sang năm 1962 yêu cầu khối lượng vận chuyển tiếp tục tăng, trong khi địch đã phát hiện và tăng cường các cuộc hành quân càn quét các tuyến vận chuyển. Cùng với đó, những diễn biến chính trị của Lào gây bất lợi cho các hoạt động vận chuyển trên dãy Tây Trường Sơn của ta. Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “phải mở thêm nhiều đường hơn nữa để bảo đảm vận chuyển lớn, tiến tới vận chuyển cơ giới”. Thời gian này, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Đoàn 559 từng bước phát triển nhiều đơn vị: Bộ binh, phòng không, công binh, vận tải ô tô, vận tải đường sông (suối), đường ống xăng dầu... đủ sức bảo đảm hành quân, cơ động các lực lượng tăng cường cho các chiến trường, tác chiến, bảo vệ tuyến vận tải chiến lược và tham gia nhiệm vụ quốc tế.

Do nhu cầu của các chiến trường, kế hoạch vận chuyển mà Bộ Quốc phòng giao cho Đoàn 559 năm 1964 lớn gấp gần ba lần năm 1963, nhưng do tuyến đường thì kéo dài, lực lượng chưa kịp bổ sung nên tổng kết năm 1964, Đoàn chỉ đạt 17% so với kế hoạch. Thực tế cho thấy, phương hướng tất yếu của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn là phải tiến lên cơ giới hóa, phát triển mạng đường vận tải với quy mô ngày càng lớn, đồng thời phải sẵn sàng đối phó với hoạt động đánh phá của địch. Ngay từ đầu tháng 2-1965, địch đã tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân, pháo binh và các loại hình chiến tranh điện tử, hóa học khác đánh phá ác liệt các đường giao thông huyết mạch dẫn vào tuyến vận chuyển 559. Đồng thời, với việc mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, từ tháng 3-1965, quân Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ đã kéo vào miền Nam trực tiếp tham chiến.

Trước tình hình đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra cả nước, yêu cầu chi viện chiến trường ngày một lớn và khẩn trương, ngày 3-4-1965, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 54/QUTƯ, nâng quy mô tổ chức Đoàn 559 (tương đương cấp sư đoàn) lên thành một đơn vị tương đương cấp quân đoàn, đặt dưới sự lãnh đạo về mọi mặt của Quân ủy Trung ương. Nghị quyết cũng quyết định về tổ chức biên chế của Đoàn 559 gồm 3 lực lượng chính: (1) Lực lượng mở đường mới, giữ gìn và sửa chữa đường cũ; (2) Lực lượng vận chuyển và giữ kho; (3) Lực lượng bảo vệ; ngoài ra có các lực lượng bảo đảm khác như thông tin, quân y... Lực lượng lấy trong quân đội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và huy động dân công từng thời kỳ. Bộ Chính trị chỉ định đồng chí Phan Trọng Tuệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559; đồng chí Võ Bẩm giữ chức Phó tư lệnh. Đồng chí Vũ Xuân Chiêm, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần được điều vào làm Phó chính ủy.

Căn cứ vào nghị quyết của Bộ Chính trị và tình hình thực tế, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo Đoàn 559 tổ chức theo phương án mới: Chia hệ thống đường Trường Sơn hiện có thành 3 tuyến, từng bước phát triển mạng đường vận tải bằng ô tô quân sự, phá thế độc đạo nhằm nâng cao hiệu quả vận chuyển. Mỗi tuyến tổ chức tương đương cấp sư đoàn, có các lực lượng vận tải ô tô, gùi, thồ, công binh mở đường và bảo đảm giao thông, giao liên, kho, phòng không...

Từ ngày 25-12-1965 trở về sau, cường độ đánh phá của không quân Mỹ tăng mạnh trên toàn tuyến, nhiều cung đường bị tắc nghẽn, các lực lượng của ta vừa thiếu kinh nghiệm, vừa lúng túng do chưa thích ứng với cường độ và tính chất đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ.

Đầu năm 1967, Đại tá Đồng Sỹ Nguyên, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đặc trách Tiền phương Tổng cục ở phía nam Quân khu 4, được chỉ định kiêm giữ chức Tư lệnh Đoàn 559 thay đồng chí Hoàng Văn Thái. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ tư lệnh Đoàn 559 tổ chức Hội nghị Hương Đô (Hương Khê, Hà Tĩnh) vào tháng 6-1967. Tại hội nghị này đã quyết định nhiều vấn đề, trong đó có các vấn đề cơ bản như: Thứ nhất, vận chuyển vào mùa khô là chủ yếu; thứ hai, tổ chức thành lập các binh trạm, mỗi binh trạm phụ trách trên cung độ vận chuyển 120-150km; thứ ba, thống nhất một đầu mối chỉ huy tất cả các lực lượng trên các tuyến trọng điểm. Đặc biệt, hội nghị nhấn mạnh: Nhất thiết phải quán triệt tư tưởng tiến công “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, nhằm chủ động xây dựng thế trận vận chuyển. Muốn vậy, trước hết phải xây dựng được thế trận cầu đường, khắc phục thế độc đạo, chống địch phá hoại có hiệu quả là điều kiện cơ bản nhất để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ vận tải quân sự chiến lược, chi viện cách mạng miền Nam và các nước bạn.

Từ tháng 4-1968, đế quốc Mỹ tập trung không quân đánh phá rất ác liệt vùng “cán soong” Khu 4. Máy bay Mỹ tạo ra trên địa bàn Khu 4 nhiều “tam giác lửa”. Mặt khác, tháng 8 và tháng 9 là cao điểm mùa mưa làm cho giao thông vận chuyển vùng Khu 4 trở thành một mặt trận nóng bỏng, ùn tắc nghiêm trọng không chỉ cục bộ mà trên toàn tuyến tại địa bàn quân khu.

Thực hiện quyết tâm của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 2-8-1968, về việc thành lập hệ thống bảo đảm GTVT, khắc phục bằng được tình hình ách tắc giao thông trên địa bàn Khu 4 nhằm bảo đảm công tác vận chuyển phục vụ cho kế hoạch Đông Xuân 1968-1969, ngày 22-8-1968, thực hiện quyết tâm của Ban Bí thư và Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ tư lệnh Bảo đảm GTVT Quân khu 4 do đồng chí Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ GTVT làm Tư lệnh và đồng chí Lê Quang Hòa làm Chính ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Tình hình vận chuyển của ta đã có những chuyển biến tích cực, tuy chưa thể đáp ứng được nhu cầu của các chiến trường đòi hỏi ngày càng cao.

Trước tình hình đó, Mỹ đã mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào nhằm đánh phá hậu phương và ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược của ta. Lon Nol, được sự hậu thuẫn của Mỹ, tháng 3-1970, sau khi đảo chính lật đổ chính quyền Sihanouk đã ra lệnh đóng cửa cảng Sihanoukville, đồng thời ban hành tối hậu thư yêu cầu tất cả lực lượng của ta phải rút khỏi đất Campuchia trong vòng 72 giờ. Đầu tháng 2-1971, với 30.000 quân ngụy, được sự yểm trợ của 10.000 lính Mỹ và không quân, pháo binh Mỹ, mở cuộc hành quân vào Đường 9 Nam Lào nhằm mục tiêu phá vỡ hệ thống hậu cần của ta tại Lào và cắt đứt tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn của ta.

Do sớm có dự báo sự phát triển của tình hình và âm mưu, thủ đoạn leo thang chiến tranh của kẻ thù, cùng với sự lãnh đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương, các lực lượng của ta không bị bất ngờ và đã chuẩn bị mọi mặt cho một cuộc phản công lớn. Kết quả, ta đã bảo vệ cơ bản hệ thống kho, trạm hậu cần, bảo vệ được tuyến đường chiến lược, loại khỏi vòng chiến đấu gần 20.000 quân địch là những đơn vị thiện chiến của quân ngụy.

Về tổ chức, tháng 7-1970, Bộ tư lệnh Đoàn 559 được đổi tên thành Bộ tư lệnh Trường Sơn. Do yêu cầu kiện toàn sự lãnh đạo đối với Đoàn 559, ngày 20-5-1971, Quân ủy Trung ương ra Quyết định số 017/QU-TW về việc chuyển Đảng bộ Đoàn 559 trước thuộc Đảng bộ Tổng cục Hậu cần nay đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương về mọi mặt. Chỉ định đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là Bí thư. Tháng 7-1973, Binh đoàn Trường Sơn được tổ chức lại. Lực lượng Bộ tư lệnh Trường Sơn gồm 8 sư đoàn: 2 Sư đoàn ô tô vận tải 571, 471; 4 Sư đoàn công binh 470, 472, 473, 565; 1 Sư đoàn phòng không 377; 1 Sư đoàn bộ binh 968; ngoài ra còn 1 đoàn chuyên gia quân sự và nhiều trung đoàn trực thuộc (6 trung đoàn cao xạ, 1 trung đoàn bộ binh, 4 trung đoàn đường ống xăng dầu, 2 trung đoàn cầu, 2 trung đoàn thông tin, 1 trung đoàn vận tải đường sông, 1 trung đoàn giao liên cơ giới, 1 trung đoàn kho, 1 trung đoàn huấn luyện, an dưỡng…), quân số hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và 1 vạn thanh niên xung phong (TNXP). Năm 1974, Đại tá Đồng Sỹ Nguyên được thăng vượt cấp lên Trung tướng.

Năm 1973, kể từ sau khi có Hiệp định Paris (ngày 27-1-1973), quân bổ sung cho các chiến trường đều được hành quân bằng cơ giới, chấm dứt hành quân bộ. Thời gian hành quân vận chuyển rút ngắn từ 22-28 ngày xuống còn 7-10 ngày, mỗi tháng chuyển được hơn 30.000 đến 50.000 quân qua tuyến. Những tổn thất về lực lượng do kiệt sức, suy dinh dưỡng, bệnh tật... cũng được giảm tối đa. Đến mùa hè năm 1974, đường Đông và Tây Trường Sơn đã hình thành một hệ thống liên hoàn, vững chắc, là cơ sở hạ tầng bảo đảm chi viện liên tục vật chất, cơ động lực lượng, binh khí kỹ thuật, bảo đảm cho đòn tiến công chiến lược khi thời cơ đến.

Trải qua 16 năm xây dựng, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn trở thành một chiến trường có không gian rộng lớn trải dài trên 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia; đã chuyển được gần một triệu rưỡi tấn hàng, vũ khí trang bị các loại, 5.500.000m3 xăng dầu, bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn hai triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc, “trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh”; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường.

Qua thực tiễn quá trình Quân ủy Trung ương lãnh đạo tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

Thứ nhất, coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm xây dựng ý chí quyết thắng cho Bộ đội Trường Sơn và các lực lượng khác với quyết tâm “tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Thứ hai, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng trong chỉ đạo xây dựng và vận hành tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.

Thứ ba, dự báo chính xác tình hình, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, chủ động đề ra các phương án đối phó hiệu quả nhằm giành lợi thế và chiến thắng.

Thứ tư, kịp thời tổ chức và tăng cường lực lượng đủ mạnh, hỗ trợ cho Đoàn 559 nhằm khắc phục khó khăn, từng bước khai thông tuyến đường, bảo đảm kế hoạch vận chuyển chi viện vào chiến trường.

Thứ năm, chỉ huy thống nhất các binh chủng, thực hiện hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng và công tác bảo đảm hậu cần khác.

Thứ sáu, chỉ đạo các lực lượng kịp thời rút kinh nghiệm sau mỗi trận đánh, mỗi đợt hoạt động để tìm ra phương thức tác chiến phù hợp, hiệu quả nhất.

Có thể nói, để có được con đường Trường Sơn huyền thoại với những chiến công hào hùng của một thời kỳ lịch sử oanh liệt, chúng ta đã phải đánh đổi bằng sự hy sinh, mất mát của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội, TNXP, dân công hỏa tuyến và đồng bào đồng chí cả nước cũng như quân dân hai nước Lào, Campuchia. Con đường đó cùng với những chiến công, kỳ tích không chỉ thể hiện đường lối đúng đắn, sáng tạo, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng và Bác Hồ, trực tiếp là sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương mà còn thể hiện bản lĩnh vững vàng, quyết tâm sắt đá, ý chí dời non, lấp biển của toàn dân, toàn quân ta cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến công của Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một trang huyền thoại về sức mạnh chiến đấu, chiến thắng giặc ngoại xâm, đồng thời để lại những bài học quý báu về sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của Quân ủy Trung ương trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay./.