Sáng nay (23/5), Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội phối hợp với tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo Công bố tài liệu và chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo nghề.

sinh vien yeu ky nang mem can thay doi tu chinh giao vien
Ảnh minh họa

Chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, làm việc trong bất cứ lĩnh vực nào, kỹ năng mềm cũng vô cùng cần thiết. Bởi không có công việc nào là đơn độc, mỗi người đều là một phần của một đội ngũ nào đó, có sự lớn mạnh và phụ thuộc lẫn nhau. Ở bất cứ đội nhóm nào, khả năng làm việc tốt, hợp tác cùng người khác cũng là điều quan trọng, làm việc nhóm giúp tạo ra các mối quan hệ đồng nghiệp, đưa đến sự hợp tác và sáng tạo không ngừng.

Ngay cả trong các lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật, kỹ năng mềm giúp tạo ra sự khác biệt, nâng cao hiệu quả công việc và tăng khả năng thích ứng trước những thay đổi.

Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay các sinh viên, học viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng vẫn bị các nhà tuyển dụng “chê bai” về việc thiếu và yếu kỹ năng mềm, chưa biết cách giải quyết các vấn đề một cách nhanh nhạy.

Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết: “Trong Nghị quyết 29 về đổi mới toàn diện giáo dục có nội dung về phát triển cho người học toàn diện về năng lực, phẩm chất.

Năng lực của người học được cho là chuyên môn, khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Còn phẩm chất là yếu tố vô cùng quan trọng, đó còn là cách ứng xử. Chúng tôi muốn gọi đây là kỹ năng chính chứ không phải kỹ năng mềm vì chưa thể hiện hết nội hàm của nó. Các chuyên gia đã nói rằng kỹ năng mềm quyết định 75% sự thành công của người lao động, năng lực chỉ chiếm hơn 20%. Giáo dục kỹ năng mềm là vấn đề vô cùng quan trọng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Ông Trường cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, sự đổi mới của công nghệ rất nhanh chóng, kỹ năng mềm sẽ giúp sinh viên, người lao động đối mặt với những sự thay đổi đó tốt, nhanh nhạy hơn. So sánh tương quan, ông Trường cho rằng, việc đào tạo về công nghệ cần sự đầu tư lớn, nhưng lại nhanh thay đổi, lỗi thời, trong khi đó, việc trang bị kỹ năng mềm gắn liền với văn hóa sẽ là hành trang suốt đời cho người lao động.

Vấn đề cốt lõi là các nhà trường cần đưa nội dung giảng dạy về kỹ năng mềm vào các chương trình một cách bài bản, giúp người học tận dụng được năng lực của mình.

Còn theo ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, tại các nước phát triển, việc giáo dục kỹ năng mềm được chú trọng đặc biệt, được đưa vào các chương trình học một cách bài bản. Còn tại Việt Nam, vấn đề này đã được đặt ra, tuy nhiên vẫn thiếu sự liên kết, hệ thống.

Để đạt được hiệu quả cao, ông Khánh cho rằng, trước hết cần bắt đầu từ chính đội ngũ giáo viên: “Nếu giáo viên các trường không chuẩn bị tốt về các kỹ năng mềm, thì rất khó khả thi. Trước hết muốn dạy cho học sinh tốt thì phải có đội ngũ giáo viên tốt”.

Theo đó, giáo viên các trường cần lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, không ngừng trau đồi kỹ năng, năng lực bản thân để nâng cao chất lượng giảng dạy. Giáo viên cần tự nhận thức nếu không thay đổi sẽ rất dễ bị đào thải. Chỉ với cách đó, giáo dục nghề nghiệp mới có thể chuyển đổi nhanh chóng. Vấn đề cốt lõi là cần tạo ra động lực cho chính giáo viên./.