Nâng tầm đối ngoại, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Điểm cầu tỉnh Thái Nguyên. |
Đánh giá năm 2024, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề vượt dự báo, thúc đẩy trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm với đặc trưng bất ổn và khó lường. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác đối ngoại được triển khai chủ động, hiệu quả, góp phần củng cố hòa bình, ổn định, mở rộng cục diện đối ngoại thuận lợi, bảo vệ chủ quyền và nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam. Trong năm, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tiến hành 59 hoạt động đối ngoại, trong đó có 21 chuyến thăm tới các nước và tham dự các hội nghị đa phương; đón 25 đoàn lãnh đạo các nước thăm Việt Nam. Ký kết mới hơn 170 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và lợi ích. Ngoại giao kinh tế và kinh tế đối ngoại đã chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo..., đóng góp quan trọng giúp Việt Nam duy trì vị thế trong nhóm nước tăng trưởng cao, là điểm sáng về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực cùng những kết quả quan trọng của ngành Ngoại giao trong năm qua. Đồng chí đề nghị năm 2025, Bộ Ngoại giao tập trung dự báo chính xác tình hình, phát hiện kịp thời các vấn đề và xu thế mới, tận dụng cơ hội để duy trì thế chủ động chiến lược. Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao thực hiện tốt việc tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương, tinh gọn tổ chức bộ máy sau khi tiếp nhận nhiệm vụ từ Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Điều này nhằm đảm bảo công tác đối ngoại thống nhất, thông suốt, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo đột phá trong xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại./.