Tối 11/10, sau khi kiểm tra thực địa các địa bàn bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu, lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã họp khẩn với UBND thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh để bàn giải pháp khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ.

sat lo nghiem trong tram tau yen bai bi co lap

Cầu Thia bị sập 2 nhịp cầu và một mố cầu, khiến 4 người mất tích. (Ảnh: báo Yên Bái)

Thông tin nhanh về tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh, ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - cho biết, tính đến 19h ngày 11/10, mưa lũ tại các địa phương phía Tây tỉnh đã khiến 3 người chết; 11 người mất tích (ngoài ra nghi có 3 người mất tích do sập cầu Suối Thia); 7 người bị thương. Sạt lở nghiêm trọng bờ kè suối Thia.

Nhiều tuyến đường giao thông, đặc biệt là giao thông từ thị xã Nghĩa Lộ lên huyện Trạm Tấu nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, vẫn đang bị chia cắt. Các công trình thủy lợi, diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

Nhiều điểm bị cô lập chưa tiếp cận được; công tác tìm kiếm cứu nạn diễn ra trên địa bàn rộng, rải rác tại các khu vực suối Thia, suối Nung, gây khó khăn cho lực lượng tìm kiếm trong khi tình hình thời tiết vẫn đang diễn biến phức tạp.

sat lo nghiem trong tram tau yen bai bi co lap

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà kiểm tra thực địa, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. (Ảnh: báo Yên Bái)

Việc khắc phục thông tuyến, lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái đặt quyết tâm trước buổi chiều ngày 12/10, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng tiếp cận được địa bàn huyện Trạm Tấu để chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai.

Đối với công tác tìm kiếm cứu nạn, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị mở rộng địa điểm, khu vực tìm kiếm dưới khu vực Thủy điện Văn Chấn, cầu tràn An Lương, Đồng Sụng, Viễn Sơn, Thác Cá - Mỏ Vàng, Đại Phác, An Thịnh, Yên Hợp của huyện Văn Yên (theo dòng chảy suối Thia), mỗi địa điểm bố trí 20 người gồm các lực lượng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ban CHQS huyện Văn Chấn, công an, dân quân tự vệ.

Đối với công tác tìm kiếm cứu nạn tại huyện Trạm Tấu, ông Duy cho rằng, cần cứu trợ người bị thương; xác định rõ số lượng, danh tính những người mất tích; bố trí 2 xe cứu thương và các phương tiện cần thiết để cứu hộ, hỗ trợ các lực lượng.

sat lo nghiem trong tram tau yen bai bi co lap

Sạt lở đất trên Quốc lộ 32, đường lên huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: báo Yên Bái)

Để đảm bảo an toàn cho nhân dân ở các vùng lân cận có điểm sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Công an tỉnh có rào chắn cảnh báo, tuyệt đối không để người dân di chuyển vào khu vực cầu sập, địa điểm sạt lở; hạn chế đi qua Quốc lộ 32; không để người dân hiếu kỳ ra xem, vớt củi; quan sát các cầu, các công trình, đập thủy lợi để đưa ra cảnh báo sớm giúp người và phương tiện; rà soát các hộ gia đình ở khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đất và lũ để tiếp tục di dời đến nơi an toàn sớm nhất.

Để tránh phát sinh dịch bệnh, nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó; thực hiện nguồn hỗ trợ trước mắt nhằm đảm bảo an sinh tại chỗ như ăn, mặc, ở; hỗ trợ dựng nhà để đảm bảo cuộc sống lâu dài cho người dân; tiếp nhận và phân bổ hỗ trợ kịp thời, công khai, công bằng; thành lập Sở chỉ huy hiện trường để làm đầu mối và tập trung trong công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai.

Tại huyện Mù Cang Chải, tính đến 17h ngày 11/10, trên địa bàn huyện đã có 2 nhà dân ở hai xã Cao Phạ và Nậm Khắt bị sạt lở đất. Hiện 2 hộ này đã được di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Mưa to cũng đã làm giao thông của huyện Mù Cang Chải bị ảnh hưởng. Quốc lộ 32, khu vực đèo Khau Phạ, xã Cao Phạ bị sạt lở nhiều đoạn; đường đi bản Làng Sang - Ngọc Chấn, xã Nậm Khắt cũng sạt lở 2 đoạn, gây ách tắc giao thông.