"Kỷ luật một số cán bộ trong vụ Trịnh Xuân Thanh là rất nghiêm minh"
Như tin đã đưa, từ ngày 28 đến 30/11/2016, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 8, trong đó xem xét, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật, xem xét xử lý với một số cán bộ cao cấp của Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương và Tỉnh uỷ Hậu Giang liên quan đến vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh.
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN&MT của Quốc hội cho rằng, cách thức tiến hành của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trong xem xét vụ việc và xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân có khuyết điểm liên quan vụ việc vừa qua được dư luận và cán bộ, đảng viên đánh giá cao.
Đặc biệt, theo vị đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, việc công khai thông tin thể hiện sự cương quyết, trách nhiệm và thẳng thắn xử lý cho dù đó là cán bộ cấp nào, đương chức hay nghỉ hưu nếu mắc sai phạm. Cách thức công khai như thế cũng cần áp dụng cả ở cấp địa phương khi xem xét xử lý cán bộ sai phạm để tạo niềm tin trong nhân dân.
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng |
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN&MT của Quốc hội cũng nhấn mạnh, liên quan đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh, quá trình trình kiểm điểm, xem xét và đến thời điểm này có hình thức kỷ luật như vậy đã thể hiện sự quyết liệt vào cuộc xử lý đúng người, đúng chức trách nhiệm vụ được phân công, theo dõi.
“Đối tượng Trịnh Xuân Thanh đang bị truy nã nên khi nào bắt được, quá trình xử lý tiếp theo nếu phát hiện trách nhiệm của những người liên quan thì mức độ tới đâu tôi tin chắc chắn sẽ được xem xét xử lý”, ông Trương Minh Hoàng nói.
Còn theo ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh đã khiến dư luận bức xúc, mong muốn xử lý nghiêm minh. Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra mức xử lý cho thấy rất nghiêm túc, nói đi đôi với làm.
Ông Nguyễn Ngọc Sang - nguyên Phó Chủ tịch UBMT Tổ quốc thành phố Cần Thơ thì cho rằng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố mức kỷ luật đối với các cán bộ lãnh đạo và nguyên lãnh đạo từ Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, rồi tỉnh Hậu Giang là rất nghiêm minh, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng trong việc lập lại kỷ cương phép nước.
“Tới đây, để tránh trường hợp như này xảy ra, nhất là vấn đề chạy chức, chạy quyền, theo tôi, phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4. Trung ương phải làm gương, còn tại các địa phương, các cán bộ lãnh đạo có thẩm quyền khi đề bạt cán bộ phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong quy hoạch, sử dụng cán bộ, phải thật sự dân chủ" – ông Sang nêu ý kiến.
Ông Phan Quốc Nam, một đảng viên ở thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh cũng bày tỏ sự đồng tình về việc kỷ luật những tổ chức, cá nhân sai phạm liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh. Ông cho rằng, mức kỷ luật đưa ra là xác đáng, hợp tình hợp lý, góp phần tạo được lòng tin vững chắc trong quần chúng đối với Đảng.
Ông Nguyễn Phong Tam - Chủ tịch Hội người cao tuổi tỉnh Kiên Giang thì hy vọng: "Đây là hồi chuông thức tỉnh cho những ai lợi dụng quyền thế, thân quen để “chạy” từ chỗ này sang chỗ kia. Những người có thẩm quyền ký những quyết định như vậy phải ý thức được rõ trách nhiệm của mình".
Còn ông Nguyễn Cao Xiểm, phường Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thuỷ, Cần Thơ cho rằng giải quyết vụ việc Trịnh Xuân Thanh rất chặt chẽ, công minh, theo đúng luật pháp của Nhà nước và nguyên tắc của Đảng. Các bước giải quyết vụ việc này có tác dụng rất lớn, đáp ứng được sự mong mỏi của Nhân dân và cử tri cả nước.
Theo TS. Nguyễn Bách Khoa, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Vĩnh Long, qua vụ việc Trịnh Xuân Thanh cho thấy, quan điểm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương rất dứt khoát, chặt chẽ trong việc xử lý cán bộ sai phạm. Nếu không kịp thời chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự tự diễn biến, tự chuyển hóa thì sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đảng ta đã xác định rõ điều này và đang làm quyết liệt.
“Sự việc này cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong vấn đề làm trong sạch nội bộ Đảng. Đây là quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống sự suy thoái, sự tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Việc làm này tuy khó khăn, nhưng phải làm từng bước và phải có thời gian. Đấu tranh chống cái xấu trong nội bộ cực kỳ khó khăn; cần hiểu và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và cả công dân để góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh" – TS. Nguyễn Bách Khoa nói./.