Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội

Trong bối cảnh rất khó khăn của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn đảm bảo được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. GDP năm 2022 tăng 8,02%; CPI bình quân tăng 3,15%; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 370 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng.

Bên cạnh những điểm tích cực, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn như: 2/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt mục tiêu gồm: Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu Quốc gia chưa đạt yêu cầu.

Tham gia thảo luận, các đại biểu bày tỏ băn khoăn trước những khó khăn, thách thức mà nước ta phải đối diện, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 GDP đạt 6,5% là rất khó khăn.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần có giải pháp chính sách kịp thời; điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch quốc gia; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách riêng, cụ thể về đầu tư công; quyết tâm, sát sao hơn nữa để gỡ các vướng mắc nhất là các vướng mắc về thể chế, văn bản hướng dẫn cho các địa phương. Các bộ, ngành và địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cho các cơ sở hạ tầng Quốc gia như các công trình giao thông vận tải trọng điểm.

Trước tình trạng các doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản, giải thể ngày càng nhiều, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chủ động, linh hoạt, để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát.

Nêu thực trạng các vấn đề xã hội, y tế, như: Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn chưa được giải quyết triệt để và tình trạng tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp, các đại biểu đề nghị bổ sung đầy đủ trong báo cáo về những kết quả đạt được và những cái tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để có những giải pháp hữu hiệu trong việc điều hành nền kinh tế-xã hội trong thời gian tới./.