Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Chiều 13/4, tại TP Hạ Long, Đoàn khảo sát số 3, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh |
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội từ trung ương tới địa phương trong đó nhấn mạnh tới việc tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp tình hình mới.
Trong phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về cách thức tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian qua. Từ thực tiễn đó cho thấy, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy chính trị tinh gọn, vừa là nhiệm vụ lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách hiện nay”.
Báo cáo với Đoàn công tác tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thời gian qua Quảng Ninh đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và tiến hành rà soát trong toàn hệ thống chính trị về phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế. Tỉnh đã thẳng thắn nhận định những hạn chế, yếu kém từ thực tiễn, mạnh dạn đề ra các giải pháp để từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25)
Sau 2 năm thực hiện Đề án, Quảng Ninh đã thể hiện rõ kết quả nâng cao năng lực lãnh đạo qua sự lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm như: Đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược của Đảng; thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) để thực hiện công khai, minh bạch các quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân...
Ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo làm rõ thêm những kết quả trong triển khai Đề án 25 của tỉnh |
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm: “Nếu không đổi mới, vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ bị ảnh hưởng, nếu đổi mới theo hướng không cẩn thận sẽ làm mất đi hiệu lực bộ máy nhà nước. Đây là ranh giới rất mong manh”.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng kiến nghị Trung ương hướng dẫn một số nội dung như: nghiên cứu lại mô hình Đảng ủy khối cơ quan tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh theo hướng cơ cấu lại thành các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và bổ sung chức năng cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy thực hiện công tác đảng vụ.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao kết quả đổi mới, phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, tư duy đột phá của chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Kết quả trong 2 năm 2015-2016, tỉnh đã tinh giảm được 4 đơn vị thuộc tỉnh ở 12 huyện, thị xã, thành phố. Một số chủ trương, giải pháp Quảng Ninh đang triển khai thực hiện tại địa phương sẽ là kinh nghiệm cho các địa phương khác trong cả nước tham khảo. Đây cũng là tư liệu quý để Ban Chỉ đạo TW 6 hoàn thiện vào nội dung Đề án để báo cáo Ban Chấp hành TW.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của một số cán bộ còn chưa nghiêm túc; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, quyết liệt; người đứng đầu một số cấp ủy, chính quyền chưa phát huy hết trách nhiệm…
Phó Thủ tướng yêu cầu Quảng Ninh cần tiếp tục nghiên cứu kỹ việc nhất thể hóa các chức danh, sáp nhập các phòng, ban, đơn vị; đồng thời, rà soát, sắp xếp đơn vị công lập theo đúng chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; kịp thời đề xuất với Chính phủ các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện./.