Quảng Ninh: Xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19 không rõ nguồn lây
Thị xã Đông Triều thiết lập vùng phong tỏa tạm thời để cách ly y tế toàn bộ thôn Lâm Xá 1. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN) |
Tính từ ngày 11/10 đến nay, Quảng Ninh ghi nhận 70 ca mắc COVID-19, trong đó có 42 ca nhập cảnh, cách ly tại tỉnh và 28 ca mắc ở nội địa.
Đặc biệt, có 7 ca mắc trong cộng đồng tại thị xã Đông Triều và thành phố Hạ Long được phát hiện khi thực hiện lấy mẫu sàng lọc, chưa rõ nguồn lây, nguy cơ hình thành ổ dịch lớn và lây nhiễm sang các địa phương lân cận.
Từ 14 giờ ngày 3/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã quyết định tạm thời nâng cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn xã Hồng Thái Đông và xã Hồng Thái Tây (thị xã Đông Triều) lên cấp độ 2 (tương ứng với màu vàng).
Thị xã Đông Triều tạm dừng một số hoạt động trên địa bàn 3 xã, phường là Hồng Thái Đông, Hồng Thái Tây và Hoàng Quế như hoạt động vui chơi giải trí, nhà hàng, quán ăn, chợ dân sinh, tạm dừng việc dạy học tập trung và chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến, yêu cầu thực hiện nghiêm việc sản xuất kinh doanh theo phương án “3 tại chỗ”…
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu các các cấp, ngành, địa phương phải coi trọng công tác xét nghiệm tầm soát chủ động.
Đây sẽ là "chìa khóa" để phát hiện sớm, điều trị sớm, can thiệp sớm, cách ly sớm, đảm bảo kiểm soát tình hình dịch bệnh, trong đó trọng tâm, trọng điểm là những người có nguy cơ cao, người có bệnh nền, trẻ em, người Quảng Ninh đi lao động ở tỉnh ngoài, công nhân lao động các ngành sản xuất kinh doanh tập trung đông người, trong ngành than, khu công nghiệp...
Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo khi phát hiện ca F0, phải kích hoạt cơ chế chỉ đạo ngay từ xã, phường, thị trấn gắn trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố với tinh thần nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất.
Các địa phương phải xây dựng kịch bản cụ thể, bảo đảm phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội, khả năng ứng phó, năng lực y tế của từng địa bàn, đồng thời phát động toàn dân hằng ngày khai báo y tế trên ứng dụng PC COVID, sớm đồng bộ sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ kiểm soát người ra, vào tỉnh.
Những địa phương đang có các ca F0 tại cộng đồng phải quán triệt nghiêm và sử dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp đã nêu cụ thể trong Chỉ thị 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh; truy vết kỹ càng, không bỏ sót, đặc biệt là không được chủ quan đối với những đối tượng được xác định bảo vệ trọng điểm.
Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hướng dẫn chung về việc tổ chức các sự kiện tập trung đông người (hoạt động tổng kết, hội thảo, hội nghị, các sự kiện chính trị, văn hóa thể thao, tổ chức lễ cưới, đám hỏi…).
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu đi đầu trong việc tổ chức lễ cưới, đám hỏi với thành phần gọn nhất, bảo đảm an toàn dịch bệnh; tổ chức đám tang với các quy trình được giảm thiểu phù hợp với tình hình mới.
Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông chủ động để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác khi Quảng Ninh xuất hiện các ca F0 trong cộng đồng không rõ nguồn lây; thường xuyên thông tin đầy đủ về tình hình dịch bệnh trong nước, địa phương lân cận; hướng dẫn người dân biết cách tự test nhanh kháng nguyên tại nhà để yên tâm theo dõi, cách ly F1, chăm sóc F0 thể nhẹ tại nhà, thực hiện điều trị F0 tại tuyến cơ sở...
Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã bao phủ vaccine đối với người từ 18 tuổi trở lên đạt 95% với mũi 1 và trên 87% với mũi 2. Tuy nhiên còn trên 20.000 đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao như người già, người bệnh lý nền, phụ nữ có thai, cho con bú chưa tham gia tiêm chủng, nhóm trẻ dưới 18 tuổi mới đang triển khai tiêm, nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao.
Quảng Ninh nhận định nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn hiện nay chủ yếu là từ đường bộ. Vì vậy, để sống chung an toàn với dịch bệnh, vai trò của cơ sở là rất quan trọng, quyết định thành công.
Qua việc xuất hiện các ca F0 trong cộng đồng cho thấy khâu tổ chức thực hiện các chủ trương của Trung ương, của tỉnh còn yếu, nhất là cấp cơ sở; việc phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng còn bị động, không do chính quyền cơ sở can thiệp; việc phân tích tình hình, xử lý tổng thể khi xuất hiện ca F0 còn lúng túng.
Công tác xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng đối với các đối tượng có nguy cơ cao, vẫn chưa được chính quyền cơ sở quan tâm thực hiện đúng mức.
Hiện nay, nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ninh đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch, còn một số lỗ hổng trong công tác giám sát, quản lý đối tượng cách ly.
Một số cơ sở cách ly tập trung không thực hiện đúng quy định sử dụng trang phục phòng hộ, quy trình phòng, chống lây nhiễm giữa nhân viên phục vụ người cách ly tập trung để lây nhiễm cho nhân viên phục vụ, từ đó lây nhiễm cho các đối tượng khác.
Đối với công tác tổ chức cách ly tại nơi cư trú, một số địa phương không thực hiện đánh giá điều kiện cơ sở, còn để người cách ly, sinh hoạt cùng người thân trong gia đình để lây nhiễm dịch bệnh, đặc biệt là để người cách ly sống chung với người cao tuổi…/.