Quảng bá văn hóa Việt thông qua hợp tác làm phim
Tăng cường hợp tác sản xuất phim
Ra mắt từ năm 2014, bộ phim truyền hình “Tuổi thanh xuân”, bộ phim hợp tác giữa Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Tập đoàn truyền thông và giải trí CJ E&M (Hàn Quốc) sản xuất đã giành được sự yêu mến của khán giả, trở thành bộ phim ấn tượng, được yêu thích nhất trong năm 2015.
Sau cái kết “mở” khiến khán giả có phần hụt hẫng ở phần 1, VTV và CJ E&M lại tiếp tục hợp tác để cho ra mắt phần 2 của bộ phim vào đầu tháng 11/2016 này. Kể tiếp câu chuyện tình đẹp, nhưng cũng không ít những biến cố, chông gai trong hành trình đến với hạnh phúc của Linh (Nhã Phương đóng) và Junsu (Kang Tae Oh đóng), “Tuổi thanh xuân” phần 2 được dự đoán là sẽ tiếp tục tạo nên cơn sốt cho khán giả truyền hình trong thời gian tới.
Hình ảnh chiếc cầu tình yêu ở Đà Nẵng được giới thiệu đến bạn bè quốc tế qua phim “Tuổi thanh xuân”. |
Trước đó, năm 2013, VTV cũng đã hợp tác cùng Đài Truyền hình TBS (Nhật Bản), sản xuất bộ phim “Người cộng sự” - bộ phim về một doanh nhân người Nhật, có hôn ước với một cô gái Việt, trong hành trình đi tìm “chìa khóa” để giải quyết công việc kinh doanh và quan hệ gia đình, họ đã mở ra một câu chuyện tình bạn của 100 năm trước, giữa chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ người Nhật Asaba Sakitaro. Bộ phim này được phát sóng đồng thời ở cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản… Sau “Người cộng sự”, Việt Nam tiếp tục hợp tác với TBS và ra mắt bộ phim truyền hình “Khúc hát mặt trời” dịp đầu năm 2016.
Những năm trở lại đây, Việt Nam đã hợp tác với nước ngoài làm phim truyền hình. Mà cách đây hơn chục năm, Việt Nam cũng đã có một vài bộ phim hợp tác được sản xuất. Có thể kể đến phim “Lẵng hoa tình yêu” do hãng phim truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) phối hợp cùng Công ty FNC (Hàn Quốc) thực hiện năm 2004, hay “Mùi ngò gai” do hãng phim Gia đình Việt - Vifa (một hãng phim tư nhân ở Việt Nam) và Công ty CJ Media (Hàn Quốc) hợp tác sản xuất. Phim truyền hình "Cô dâu vàng" do hãng phim truyện I (FF1) hợp tác với Đài Truyền hình SBS (Hàn Quốc)…
Cầu nối văn hóa Việt ra thế giới
Thực tế cho thấy, những bộ phim hợp tác sản xuất với nước ngoài là một cơ hội tốt để quảng bá những danh lam thắng cảnh, những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam. Lấy ví dụ từ phim “Tuổi thanh xuân”, hàng loạt các bối cảnh đẹp, là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam như hồ Gươm, hồ Tây, vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, công viên Asian Park, Bà Nà hills, Hội An, khu nghỉ dưỡng ven biển Intercontinental… đã xuất hiện trong phim. Một số danh lam của Hàn Quốc như tháp Namsan, công viên Sky Park, đảo Nami (địa điểm quay phim nổi tiếng "Bản tình ca mùa đông"), Namhan Sansung - địa điểm du lịch đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, những khu phố cổ như Insadong, Bukchon Hanok, khu vui chơi Everland, những cánh rừng tuyệt đẹp ở ngoại vi thành phố Seoul… cũng được giới thiệu trong phim.
Tương tự, trong những phim hợp tác với Nhật Bản như “Người cộng sự” hay “Khúc hát mặt trời”, những địa danh nổi tiếng của Việt Nam và Nhật Bản như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng hay Tokyo, Osaka, Kyoto… cũng được đạo diễn và êkíp làm phim lựa chọn.
Không chỉ có cảnh quay hấp dẫn, những bộ phim hợp tác với nước ngoài còn là cầu nối hữu hiệu, để giới thiệu những nét đẹp của văn hóa, con người Việt Nam đến với các nước. Thông qua việc khai thác đời sống, tâm lý, tình cảm, qua những diễn biến trong phim, các đạo diễn còn gắn kết vào đó những nét đẹp về văn hóa và đời sống của hai nước, giúp khán giả xem phim thêm hiểu, thêm yêu văn hóa Việt Nam. Điều này đã được khẳng định, khi các bộ phim hợp tác hầu hết được công chiếu ở cả hai nước. “Người cộng sự” được công chiếu đồng thời ở hai nước Việt Nam - Nhật Bản. “Tuổi thanh xuân” không chỉ được công chiếu tại Việt Nam - Hàn Quốc, mà còn được phát sóng trên kênh Channel M, kênh truyền hình trả tiền hiện đang phủ sóng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Myanmar, Australia, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc)…
Và đó là một cơ hội tốt để khán giả truyền hình quốc tế có thêm những hiểu biết về Việt Nam thông qua những câu chuyện về cuộc sống giới trẻ, về gia đình và cả qua những hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam được lồng ghép khá nhiều trong phim.
Phải thừa nhận rằng, việc hợp tác sản xuất phim với các đơn vị nước ngoài, không chỉ đẩy mạnh được hình ảnh hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực, mà nó còn góp phần giúp khán giả (người dân) ở các nước hiểu rõ hơn về sự gần gũi, tình cảm và tăng cường mối quan hệ hợp tác đầu tư, về các hoạt động giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế giữa hai nước.
Nhìn từ làn sóng “sính” phong cách Hàn, từ ăn mặc, trang điểm, đến ăn uống… sau thời gian Việt Nam ồ ạt chiếu phim Hàn trong thời gian qua, có thể thấy, việc quảng bá văn hóa đến với quốc tế qua phim, ảnh là vô cùng hiệu quả. Và trong điều kiện các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa có điều kiện để đẩy mạnh, thì việc hợp tác sản xuất phim có thể coi là một trong những chiếc cầu nối thiết thực, hữu hiệu để giới thiệu, quảng bá văn hóa – du lịch Việt Nam đến với thế giới.