Thách thức lớn từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường

Theo kịch bản BĐKH của Việt Nam, vào cuối thế kỷ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích các địa phương khác thuộc khu vực ven biển bị ngập do nước biển dâng; khoảng 10 đến 12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất về kinh tế dự báo khoảng 10% GDP.

Năm 2016, Việt Nam đã chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như: Lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn... Đây là biểu hiện đáng lo ngại của BĐKH, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và gây nhiều rủi ro trong phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với tác động của BĐKH, tình hình ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng, đa dạng sinh học suy giảm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái đang diễn ra trên diện rộng. Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng BĐKH, ô nhiễm môi trường trở thành một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam.

quan doi luc luong nong cot trong bao ve moi truong ung pho voi bien doi khi hau
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 892, Bộ CHQS tỉnh An Giang giúp nhân dân huyện An Phú (An Giang) chống lũ.

Đối với hoạt động quân sự, quốc phòng, BĐKH và ô nhiễm môi trường cũng gây nên nhiều tác động tiêu cực. Thiếu tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chính ủy Quân khu 9 cho biết: Thời gian gần đây, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật của LLVT quân khu phải điều chỉnh cho phù hợp với các hiện tượng nước biển dâng, triều cường, lốc xoáy, ô nhiễm không khí… làm tăng thêm chi phí bảo quản, bảo dưỡng, di dời. Tác động của BĐKH còn làm cho công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có phương thức tổ chức mới, để huy động kịp thời các lực lượng khi có tình huống xảy ra.

Đại tá Nguyễn Đức Nam, Phó tư lệnh Vùng 3 Hải quân dẫn chứng thêm: "Tình trạng nước biển dâng đang đe dọa đến nơi ở, sinh hoạt của nhiều đơn vị thuộc Vùng 3 Hải quân. Các công trình cầu cảng và hệ thống điện bị giảm tuổi thọ nhanh do độ mặn không khí cao. Mưa, lũ lụt cũng làm thay đổi bồi đắp luồng lạch, xê dịch hệ thống phao tiêu, gây nguy hiểm cho việc cơ động tàu, thuyền. Những cơn bão lớn ngày một xuất hiện nhiều hơn, cường độ mạnh hơn, hướng di chuyển không theo quy luật, khó lường, rất nguy hiểm cho các phương tiện của đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ trên biển...".

Chủ động, nâng cao hiệu quả ứng phó

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu), Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, cứu nạn cho rằng: "Ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, trong đó quân đội giữ vai trò chủ lực, nòng cốt nhằm thực hiện tốt 3 mục tiêu: Bảo đảm an toàn hệ thống đê điều và các công trình thủy lợi; an toàn về người, tài sản, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khắc phục nhanh hậu quả và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra...".

Thực tiễn thời gian qua, vai trò chủ lực, nòng cốt của quân đội trong ứng phó với BĐKH được thể hiện rõ nét, nhất là trong các tình huống thiên tai nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng. Các đơn vị quân đội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động ứng phó với BĐKH. Đại tá Bùi Huy Biết, Phó chính ủy Quân đoàn 3 chia sẻ: "Địa bàn Tây Nguyên là nơi thường xuyên xảy ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng, nếu không chủ động được kế hoạch, biện pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và tăng gia sản xuất, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy từ nhiều năm nay, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị nắm chắc tình hình thời tiết, dự trữ nguồn nước bảo đảm sinh hoạt và tăng gia sản xuất, tăng cường các biện pháp giúp dân ổn định cuộc sống".

Theo báo cáo của Cục Cứu hộ-Cứu nạn, trong 5 năm gần đây (từ năm 2012 đến 2016), toàn quân đã huy động hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ và phương tiện, phối hợp các cấp, các ngành, địa phương ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều loại hình thiên tai, sự cố. Lực lượng quân đội trực tiếp tham gia ứng cứu hơn 12.420 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố và tìm kiếm, cứu nạn; kêu gọi, hướng dẫn hơn 4 triệu lượt tàu, thuyền trên biển di chuyển, tránh trú bão; sơ tán, di dời hơn 10,4 triệu lượt người từ khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; cứu được 19.342 người, 1.524 phương tiện, trong đó có 642 người và 39 phương tiện của nước ngoài. “Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn đã góp phần kéo giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh”, Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa nói.

Đẩy mạnh công tác truyền thông

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tham luận cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục ý thức BVMT, ứng phó với BĐKH trong các đơn vị quân đội vẫn còn những hạn chế nhất định. Vì vậy, nhiều đại biểu đã kiến nghị, đề xuất những chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục ý thức BVMT, ứng phó với BĐKH.

Theo Thiếu tướng Lê Bửu Tuấn, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7, thì để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, ứng phó hiệu quả với BĐKH, trước hết phải dựa trên cơ sở chung là nhận thức, hành động đúng đắn. Muốn làm được điều đó cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức của cả cộng đồng và các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và LLVT.

Trong tham luận gửi tới hội thảo, Đại tá Phùng Kim Lân, Phó tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân (QĐND) khẳng định: Báo chí là phương tiện truyền thông hữu hiệu và chủ lực trong tuyên truyền về BVMT. Ý thức rõ vai trò, vị trí của báo chí và bằng trách nhiệm của mình, những năm qua Báo QĐND thường xuyên quan tâm tuyên truyền về công tác BVMT. Thông tin trên Báo QĐND khá đa chiều và toàn diện. Cùng với tuyên truyền phổ biến kiến thức, phổ biến cơ chế chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường đến bộ đội và nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng; phát hiện, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, giới thiệu những phương pháp mới, cách làm hay về công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, Báo QĐND còn tích cực tham gia đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật về BVMT. Báo cũng phát hiện nhiều những khó khăn, bất cập nảy sinh trong công tác BVMT nhằm chung tay cùng các cơ quan quản lý Nhà nước và các địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu kết luận, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng: Thành công của hội thảo góp phần rất quan trọng trong thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về BVMT, chủ động ứng phó với BĐKH trong quân đội; đồng thời đóng góp tích cực, hiệu quả vào các hoạt động của Tháng hành động vì môi trường, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2017 (5-6) với chủ đề “Sống hài hòa với thiên nhiên”. Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học cần quan tâm nghiên cứu vận dụng, ứng dụng những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả (được trình bày tại hội thảo) vào thực tiễn. Các cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị tăng cường chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông trong và ngoài quân đội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động của toàn quân tham gia Tháng hành động vì môi trường, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động của các bộ, chiến sĩ trong ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và BVMT, góp phần thực hiện thắng lợi Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ mới.

Bài và ảnh: HỒNG HIẾU