Pho tượng Phật bà bị mất cắp: Buông lỏng quản lý đến mức báo động
Cách đây hơn 1 tuần, pho tượng Phật bà ở chùa Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) bị mất cắp gây bức xúc trong dư luận. Pho tượng Phật cổ quý hiếm được xem như một kiệt tác hiếm có ở Việt Nam bị kẻ gian lấy trộm là điều đáng tiếc. Nhưng đến sáng 8/10, thông tin pho tượng được tìm thấy trở lại khiến chúng ta thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, điều đáng nói là những kẻ gian vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Trên thực tế ở nước ta từ nhiều năm nay, sau phần lớn các vụ việc mất cắp xảy ra ở các di tích, hầu hết tung tích kẻ trộm đều khó có khả năng tìm được. Các “tay đạo chích” hành động với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, đe dọa đến sự an toàn của các cổ vật, di vật trong di tích.
PV VOV.VN đã có cuộc trao đổi với KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích xung quanh việc bảo vệ các cổ vật, di vật trong di tích hiện nay.
KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích. |
Đau xót trước nạn mất cắp cổ vật trong di tích
PV:Thưa KTS Lê Thành Vinh, vụ kẻ gian đột nhập đánh cắp Phật Bà Quan Âm ở chùa Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) một lần nữa lại cho thấy thực tế đau lòng về vấn nạn mất cắp cổ vật ở nhiều di tích hiện nay. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
KTS Lê Thành Vinh: Trong khi chúng ta đang cố gắng bảo tồn những di tích lịch sử, văn hóa của dân tộc mà còn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lực và các vấn đề liên quan khác trong nỗ lực ấy thì việc xâm hại di tích bởi các hành vi của con người mà đặc biệt là việc đánh cắp cổ vật trong di tích thực sự là vấn đề đau xót. Những cổ vật bị mất đi một mặt làm cho di tích bị khuyết thiếu, "què quặt", mặt khác làm biến mất những sản vật có giá trị của lịch sử, xóa đi những dấu tích vật chất là biểu hiện cụ thể của truyền thống văn hóa, nghệ thuật của dân tộc mà không có bất cứ cái gì có thể thay thế được. Thực trạng này hết sức nghiêm trọng, cần có biện pháp ngăn chặn càng sớm càng tốt.
PV: Theo ông, nguyên nhân vì sao nạn mất cắp cổ vật trong các di tích lại xảy ra ngày càng nhiều như vậy? Ông đánh giá như thế nào về công tác bảo vệ di tích nói chung và các cổ vật nói riêng ở các địa phương?
KTS Lê Thành Vinh: Trong vấn đề bảo vệ di tích, theo cơ chế hiện hành thì đã có sự phân cấp quản lý đầy đủ từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên khi triển khai trong thực tế, dường như nó chỉ mang tính hành chính hình thức mà không có những phương thức cụ thể, rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân liên quan nên việc xâm hại di tích và mất cắp cổ vật trong di tích đã xảy ra khá nhiều. Tại rất nhiều di tích có cổ vật quý hiếm, việc bảo vệ chỉ trông cậy vào những người trông coi trực tiếp như các vị thủ từ, thủ nhang, các sư trụ trì hoặc các cụ cao niên trong làng... thực hiện bằng những biện pháp đơn giản, công cụ thô sơ, mà nếu kẻ gian có rắp tâm xấu thì việc thâm nhập và lấy đi những bảo vật ở di tích là không mấy khó khăn. Cũng chính vì phương thức không rõ ràng nên khi xảy ra mất cắp cổ vật hay nhũng vụ hỏa hoạn trong di tích, không rõ trách nhiệm thuộc về ai và như ta thấy trong thực tế, không ai bị xử lý cả.
Thực trạng di tích bị xâm hại và mất cắp cổ vật trong di tích cho thấy các cấp quản lý chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này và ít nhiều có tư tưởng "cha chung không ai khóc". Nếu những người liên quan thực sự quan tâm và có trách nhiệm đối với việc bảo vệ, bảo quản di tích hàng ngày thì tình hình đã khác. Bởi vì như ta thấy trong đời sống thực tế, vì có trách nhiệm với tài sản của mình nên bất cứ ai, bất cứ gia đình nào cũng biết phải làm gì để không cho kẻ gian có thể dễ dàng vào nhà lấy đi cái xe máy, cái tivi hay các đồ vật khác của mình. Vụ việc kẻ gian đã đột nhập và lấy đi pho tượng Phật Bà Quan âm ở chùa Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) vừa qua cho thấy sự buông lỏng quản lý đến mức báo động vì pho tượng đó có kích thước và trọng lượng lớn, để lấy và chuyển đi được là không hề đơn giản.
Bức tượng Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt ở chùa Mễ Sở (Ảnh TL). |
Có nên bảo vệ cổ vật trong di tích như hiện vật bảo tàng?
PV: Theo ông, cần có những biện pháp gì để bảo vệ những cổ vật quý giá trong các di tích?
KTS Lê Thành Vinh: Để khắc phục tình trạng trên, theo tôi cần thực hiện một số biện pháp sau: Xác định cụ thể phương thức quản lý và trách nhiệm quản lý của từng tổ chức, cá nhân trong hệ thống quản lý di tích đã được phân cấp. Nói cách khác là việc phân cấp quản lý phải cụ thể, hữu hiệu và kiểm soát được.
Các cấp quản lý cần coi trọng việc bảo vệ, bảo quản di tích trong đó có di vật hàng ngày. Đây là một nội dung cần quan tâm và đầu tư thích đáng cùng với các hoạt động trùng tu và tổ chức khai thác, phát huy giá trị của di tích. Thậm chí trong nhiều trường hợp, đây là nhiệm vụ hàng đầu cần phải quan tâm thực hiện trước khi tiến hành các hoạt động trùng tu và khai thác di tích.
Trong phạm vi quản lý của mình, các cơ quan có trách nhiệm cần triển khai việc lập danh mục, hệ thống hóa các di vật hiện có trong di tích; tiến hành phân loại di vật theo mức độ giá trị và mức độ về nguy cơ có thể bị xâm hại, mất mát từ đó xây dựng những phương án, biện pháp bảo vệ, bảo quản thích hợp và hữu hiệu.
Trước mắt cần rà soát tình hình quản lý và các nguy cơ xâm hại có thể xảy ra đối với các báu vật quốc gia và các di vật có giá trị đặc biệt trong các di tích và ưu tiên đầu tư cho việc bảo vệ, bảo quản các di vật đó. Đồng thời có những văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc bảo quản, bảo vệ các di vật trong di tích nói chung gửi tới tất cả các địa phương để triển khai hoạt động này một cách rộng khắp.
Hiện nay có rất nhiều các phương tiện, thiết bị kỹ thuật hỗ trợ cho việc bảo vệ, chống cháy nổ, chống trộm cho các đồ vật có thể áp dụng vào di tích. Tất nhiên việc sử dụng các thiết bị đó vào di tích sẽ phức tạp, khó khăn hơn các công trình dân dụng thông thường, nhưng nếu coi đó là một việc quan trọng cần phải làm thì cần phải thực hiện và hoàn toàn có thể có phương án phù hợp với di tích. Những giải pháp cụ thể sẽ tùy vào từng loại hình, từng di tích, từng mức độ giá trị của di vật mà có những phương án thích hợp.
PV:Một giải pháp được không ít người đưa ra là làm phiên bản của hiện vật để bày tại di tích, đưa hiện vật gốc về các bảo tàng hay kho lưu giữ. Ông nghĩ sao về điều này?
KTS Lê Thành Vinh: Giải pháp này cần phải suy nghĩ một cách thấu đáo hơn. Nói chung, các di vật tại di tích không phải là hiện vật bảo tàng, không phải là thứ chỉ để ngắm nhìn. Bản thân mỗi di vật đều có một vai trò, ý nghĩa rất quan trọng gắn với di tích. Nếu như các thành phần kiến trúc có niên đại xa xưa, là dấu tích lịch sử và bằng chứng vật chất cúa các giá trị văn hóa, nghệ thuật mà chúng ta luôn phải tìm cách bảo tồn tại chỗ như những yếu tố gốc cấu thành di tích, thì các di vật trong di tích cũng tương tự như vậy.
Mặt khác, trong các di tích tôn giáo tín ngưỡng các di vật như tượng thờ, đồ thờ đều là những nhân tố quan trọng liên quan đến các hoạt động, các nghi thức tôn giáo tín ngưỡng mà thường được gọi là yếu tố "tâm linh" thì không thể dời nó đi nơi khác được. Nói cách khác là có nhiều di vật nếu dời đi nơi khác là làm thay đổi đặc điểm của di tích, phá vỡ các yếu tố phi vật thể gắn liền với di tích, tức là đi ngược lại mục tiêu bảo tồn. Tóm lại các yếu tố gốc cấu thành di tích trong đó có các di vật tốt nhất là phải được bảo tồn, bảo vệ tại chỗ như vốn có.
Tất nhiên, trong những trường hợp cụ thể, khi chưa có điều kiện để thực hiện các biện pháp bảo vệ các cổ vật một cách hữu hiệu, tạm thời có thể cất giữ nó ở một nơi đảm bảo an toàn. Nhưng đó chỉ là giải pháp cấp thiết, có tính tạm thời để tránh xảy ra mất mát đáng tiếc. Về lâu dài, nói chung các di vật trong di tích cần phải được ở đúng vị trí vốn có của nó và được bảo vệ một cách an toàn, cẩn mật.
PV: Xin cảm ơn ông!./.