Phí ‘bôi trơn” của doanh nghiệp không giảm, thậm chí xu hướng tăng
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 vừa được VCCI và USAID công bố cho thấy, chi phí không chính thức của doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Chi phí “bôi trơn” chiếm hơn 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, một môi trường kinh doanh thiếu minh bạch sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho việc nhũng nhiễu, tham nhũng. Kết quả PCI nhiều năm qua khẳng định điều này.
Đáng buồn là chi phí không chính thức của doanh nghiệp giai đoạn 2014-2016 chưa có dấu hiệu cải thiện. Các chỉ tiêu đo lường ở giai đoạn này dường như diễn biến theo xu hướng tiêu cực hơn so với giai đoạn 2008-2013. Trung bình có khoảng 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị phải “móc hầu bao” cho các khoản không chính thức, cao hơn 12-15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008-2013.
9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014 đến 2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước đó.
Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng, “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến. Chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% giai đoạn 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016), nhưng cao hơn hẳn kết quả điều tra các năm trước đó (2006-2012)”- ông Tuấn cho biết.
Minh bạch thông tin thấp
Một xu hướng đáng quan ngại nữa, theo ông Tuấn, đó là tính minh bạch. Quan sát dữ liệu theo chuỗi thời gian cho thấy, các nỗ lực tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp đang có xu hướng chững lại.
Khảo sát PCI 2016 cho thấy, trên thang đo 5 điểm với 1 là không thể tiếp cận đến 5 là dễ dàng tiếp cận, điểm tiếp cận các loại tài liệu về kế hoạch (như ngân sách, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư...) của các doanh nghiệp ở tỉnh trung vị năm nay là 2,39 điểm. Điểm số này dù cải thiện so với mức đáy của năm 2014 là 2,25 điểm, song vẫn thấp hơn mốc 2,63 điểm năm 2006.
Chỉ tiêu tiếp cận của các văn bản quy phạm pháp luật (luật, nghị định, văn bản hướng dẫn của cấp trung ương, công báo tỉnh, biểu mẫu thủ tục hành chính) liên tục tăng giảm theo đồ thị hình sin trong suốt 11 năm qua, hiện dừng ở mức 3,10 điểm, thấp hơn năm 2006 (3,15 điểm).
Đặc biệt, điều đáng quan ngại, theo ông Tuấn, là mối quan hệ cá nhân với công chức nhà nước vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận thông tin, tài liệu quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 2016, 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị cho biết phải sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận thông tin, cao hơn 16 điểm phần trăm so với mốc thấp lịch sử năm 2008.
Ông Tuấn cũng lưu ý rằng, “mức biến động của chỉ tiêu này tương đối mạnh, trồi sụt theo thời gian và chưa có xu hướng cải thiện ổn định, bền vững. Xu hướng tương tự cũng ghi nhận được ở tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng, thương lượng các khoản thuế phải nộp là một phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh.”
Báo cáo PCI 2016 đánh giá: “việc một số cơ quan nhà nước địa phương chưa minh bạch, không công khai thông tin cho doanh nghiệp sẽ dẫn tới nhiều hệ quả không mong muốn đối với nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp phải đầu tư về nguồn lực và thời gian để phát triển các mối quan hệ cá nhân với cơ quan chính quyền, thay vì sử dụng các nguồn lực đó để phát triển sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả”./.