Phát triển lâm nghiệp bền vững, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng
Giai đoạn 2021-2025 toàn tỉnh dự kiến trồng mới rừng gỗ lớn 2.000 ha, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 5.000 ha

Để nâng cao giá trị từ rừng, tỉnh Thái Nguyên đã đưa sản phẩm gỗ vào nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, xây dựng chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định, giai đoạn 2021-2025 trồng mới rừng gỗ lớn 2.000 ha, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 5.000 ha. Giai đoạn 2026-2030 trồng mới rừng gỗ lớn là 14.000 ha.

Ông Nguyễn Trọng, Bí thư Chi bộ xóm Long Giàn, xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền cho người dân trông cây gỗ lớn, bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất. Giống, phân bón đều được nhà nước cấp cho nên người trồng rừng rất phấn khởi”.

Chị Dương Thị Thoan, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ thông tin: “Hiện nay, chúng tôi đã triển khai 1 số bước. Ví dụ như đã xây dựng kế hoạch tiến độ trồng rừng năm 2021 và những năm tiếp theo, đồng thời chúng tôi đã triển khai các mục tiêu, các giai đoạn của dự án. Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai đến trưởng ban đại diện xóm, các hộ trong xóm và các hộ tự nguyện tham gia để được cấp chửng chỉ rừng”.

Cây quế được người dân huyện Định Hóa đưa vào trồng theo dự án Định canh, định cư từ cuối những năm 1990 được khoảng trên 200 ha. Giờ đây, cây quế đã trở thành cây lâm nghiệp chủ lực, giúp người dân có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên làm giàu. Hiện mỗi héc-ta quế cho thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng. Với hơn 2.600 ha quế, huyện đã ban hành nghị quyết về đẩy mạnh phát triển cây quế và chế biến các sản phẩm từ quế giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2030 toàn huyện trồng được 10.000 ha quế; đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ các nhà máy trên địa bàn. Nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 60% vào năm 2025.

Ông Triệu Thanh Bình, xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa khẳng định: “Cây quế là giá trị cao nhất. Vì bán từ lá, cành, thân, không bỏ thứ gì. Giá trị 1cây/ha, 4 năm tỉa lá đợt 1, 6 năm đợt 2, 8 năm bắt đầu được tỉa gỗ. Đến khoảng 20 năm thì giá trị 1 cây quế là khoảng 3 triệu đồng trở lên”.

Phát triển lâm nghiệp bền vững, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng
Cây quế ở Định Hóa được xác định là cây lâm nghiệp trọng điểm mang lại thu nhập cao cho người dân

Tỉnh Thái Nguyên có diện tích tự nhiên là trên 352 nghìn ha. Trong đó, đất quy hoạch cho lâm nghiệp đến năm 2020 là trên178 nghìn ha. Công tác bảo vệ, phát triển rừng luôn được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Toàn bộ diện tích rừng và đất rừng được quy hoạch theo chức năng 3 loại rừng, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, nhất là người dân sống gần rừng cũng như nâng độ che phủ rừng của tỉnh năm 2020 là trên 47%.

Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết về phương hướng: “Trong thời gian tới, chúng tôi tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định; thứ 2 là kiện toàn ban chỉ đạo để tổ chức triển khai thực hiện; thứ 3 là chủ trì với các cơ quan phối hợp bố trí kinh phí hằng năm để thực hiện chương trình. Cuối cùng là tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung những chính sách phù hợp trong giai đoạn tiếp theo”.

Đề phát triển lâm nghiệp bền vững trong giai đoạn tiếp theo, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Chương trình được triển khai sẽ giúp tăng cường quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội môi trường của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lâm sản; tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.