Phát hiện, xử lý 3.007 vụ việc về hàng giả, hàng nhái
Tại Lễ kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11), ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap) cho biết, trong hơn 10 năm qua, Hiệp hội luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ để định hướng hoạt động, từ đó đã chuyển hàng trăm hồ sơ về hàng giả, hàng nhái của doanh nghiệp hội viên tới các cơ quan chức năng để điều tra và xử lý.
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap) tại Lễ kỉ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11) |
Để làm tốt hơn công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, ông Bảo đề nghị các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các quy trình, thủ tục xử lý các xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hiệp hội kêu gọi các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc đảm bảo chất lượng đối với sản phẩm công bố.
“Các doanh nghiệp cần chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp mình sản xuất và kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp, người tiêu dùng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu”, ông Bảo mong muốn.
Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, từ đầu năm 2018, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã phát hiện, xử lý 3.007 vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Số vụ việc đang giảm dần nhưng những kết quả này chưa tương xứng với thực tế diễn ra. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp, cả về quy mô, tính chất và địa bàn cũng như các mặt hàng hết sức đa dạng.
Nhằm tăng cường tính chủ động trong việc phát hiện, phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, ông Thế đề nghị các Bộ, ngành và các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức người dân không tiếp tay mua bán, sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Đặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng trên từng địa bàn, các cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất hàng hóa phải chủ động xây dựng những giải pháp chống hàng giả, bảo vệ sản phẩm của mình. Nếu phát hiện sản phẩm bị xâm hại, phải chủ động phối hợp với lực lượng chức năng để ngăn chặn.
Đối với Vatap, ông Thế đề nghị phối hợp với các hiệp hội ngành nghề, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phổ biến, hướng dẫn pháp luật, xây dựng các giải pháp bảo vệ thương hiệu.
“Vatap cần phối hợp giữa Ban chỉ đạo 389 Quốc gia với các Bộ, ban, ngành và địa phương, nghiên cứu rà soát các văn bản pháp luật, kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm tạo hành lang pháp lý cho các lực lượng chức năng, khi thi hành công vụ”, ông Thế yêu cầu./.
Năm 2007, theo đề nghị của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap), Chính phủ đã đồng ý chọn ngày 29/11 hàng năm là Ngày phòng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam.
nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp đối với công tác đấu tranh phòng chống hàng giả trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, quy mô sản xuất ngày càng lớn cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt./.