Nữ phạm nhân gặp chồng rồi mang thai thì xử lý thế nào?
Bộ Công an vừa công bố dự thảo thông tư "Quy định việc phạm nhân gặp thân nhân nhận, gửi thư, nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân".
Liên quan đến vấn đề này, trả lời VOV.VN, Luật sư Nguyễn Ngọc Tấn – Công ty Luật Ngọc Tấn và cộng sự - Đoàn Luật sư Hà Nội nêu quan điểm: Dự thảo đã thể hiện được chính sách xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong chính sách khoan hồng, động viên, khích lệ những người phạm tội chịu khó cải tạo tốt, tu dưỡng bản thân theo hướng sống tốt lên, hoàn thiện mình, tuân thủ pháp luật và trở nên có ích cho gia đình và xã hội.
Việc xử lý vi phạm, cũng cần phải đưa vào trong dự thảo hướng dẫn. Luật sư Nguyễn Ngọc Tấn trình bày quan điểm |
Đây là điều cần thiết và cần làm bởi họ tuy là phạm nhân, mất quyền công dân do có hành vi vi phạm pháp luật cần được cách ly cải tạo để họ hiểu và sửa đổi mình.
Tuy nhiên, họ cũng là con người và có những nhu cầu được gặp gỡ để chia sẻ tình cảm với người thân, gia đình.
Họ cũng quan tâm và mong muốn được biết gia đình hay người thân mình sống thế nào và cũng mong muốn người thân biết được họ đang cải tạo ra sao, tình cảm họ hướng và nhớ đến gia đình hay người thân thế nào.
Để họ thấy mình được quan tâm, sự sẻ chia của gia đình, xã hội từ đó giúp phạm nhân phấn đấu cải tạo tốt và được hưởng chính sách khoan hồng như được giảm án, đặc xá ..... qua đó nhanh chóng trở về với gia đình, với xã hội.
Luật sư Ngọc Tấn cho rằng, dự thảo này có tính khả thi cao bởi không chỉ ở nước ta mà thực tế trên thế giới nhiều nước đã có chính sách này và việc thực hiện rất tốt tạo được động lực cải tạo cho các phạm nhận.
Việc gặp gỡ người thân gia đình, gặp vợ hoặc chồng hay gửi thư và liên lạc qua điện thoại có thể thực hiện được dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền một cách công khai theo các quy định của pháp luật nếu được hướng dẫn cụ thể.
Tuy nhiên, luật sư Tấn nghi ngại việc giám sát sẽ khó thực hiện hơn đòi hỏi sự tế nhị cần thiết đúng quy định để tránh sự vi phạm pháp luật, đó là vấn đề phạm nhân được gặp vợ hoặc chồng trong phòng hạnh phúc nhưng không quá 24 giờ.
Nhất là đối với nữ phạm nhân bởi nếu để họ mang thai trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng đến quá trình chấp hành án phạt tù.
Theo luật sư Ngọc Tấn, để nữ phạm nhân không mang thai chỉ có một phương pháp là phải phòng ngừa tránh thai. Vậy phòng ngừa bằng phương pháp nào, bằng biện pháp bên ngoài hay uống thuốc tránh thai để bảo đảm điều đó và việc giám sát thực hiện thế nào cũng cần quy định rõ, cụ thể.
Việc giám sát phạm nhân gặp gỡ người thân trong phòng hạnh phúc là điều khó.
Để tránh cho phạm nhân nữ mang thai chỉ có thể qua hình thức đề nghị họ uống thuốc tránh thai trước khi gặp trong phòng riêng với sự giám sát của cán bộ có thẩm quyền hoặc yêu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai khác.
Luật sư Tấn cho hay, để dự thảo thông tư đi được vào thực hiện cần quy định rõ và chặt chẽ các biện pháp giám sát cụ thể trong việc gặp nhận gửi thư, nhận tiền, đồ vật, liên lạc điện thoại với thân nhân và gặp gỡ chồng hoặc vợ trong phòng riêng, quy định rõ căn cứ cho việc tính thời gian gặp trong phòng riêng cho các trường hợp như thế nào.
“Quy định rõ việc nhận tiền, đồ vật thì tiền và đồ vật đó sẽ được xử lý như thế nào? Phạm nhân được giữ hay được gửi và gửi giữ ở đâu, khi cần dùng thì dùng thế nào? Việc gặp gỡ trong "phòng hạnh phúc" nếu có hậu quả xảy ra vậy việc xử lý các hậu quả đó như thế nào cần được quy định cụ thể trong thông tư này”, luật sư nêu quan điểm./.