Nông sản Việt bao giờ hết cảnh “được mùa, rớt giá“?
Nỗi ám ảnh nông sản Việt
Từ nhiều năm nay, nhiều loại nông sản Việt lao đao vì tình trạng được mùa nhưng rớt giá phải kể đến như thanh long, dưa hấu đổ bỏ, cà chua chín thối ruộng, cà rốt giá rẻ như bèo…
Ngay như đối với mặt hàng thanh long - sản phẩm được chú trọng phát triển phục vụ xuất khẩu với nhiều chính sách đầu tư quy mô cũng không thoát khỏi quy luật luẩn quẩn “được mùa, mất giá”, bị thương lái ép giá trong nhiều năm nay.
Công nhân sơ chế chuối xuất khẩu tại Công ty TNHH Thuận Tâm Thành (Bắc Ninh). Ảnh: T.Q |
Hai vụ liên tiếp của năm 2015-2016, thanh long ở Bình Thuận được mùa với năng suất cao. Tuy nhiên, do phụ thuộc thương lái phía Trung Quốc nên dẫn đến việc bị ép giá, có lúc chỉ còn 500-2.000 đồng/kg…
Điển hình trong các mặt hàng nông sản gặp cảnh được mùa mất giá năm 2017 vừa qua là quả cà chua. Cụ thể, vào giữa tháng 3.2017, nông dân Hưng Yên đứng ngồi không yên khi cánh đồng cà chua chín đỏ ruộng mà không có người thu hái. Giá cà chua chạm đáy 1.000 đồng/kg, nhiều người bỏ ruộng, không thu hoạch, thậm chí còn phá ruộng cà chua để tính trồng cây khác.
Tại Sóc Trăng, giá dưa hấu trong tháng bất ngờ giảm mạnh với giá từ trên 4.000 – 4.300 đồng/kg do mùa thu hoạch và thương lái bỏ cọc khiến nguồn cung tăng mạnh.
Giải pháp chỉ “đá ném ao bèo”?
Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, sản phẩm rau củ quả là ngành hàng có nhiều tiềm năng phát triển, song mức độ rủi ro cũng khá lớn vì hầu hết đây là các sản phẩm tươi sống và nước ta vẫn yếu trong khâu chế biến, bảo quản và phụ thuộc lớn vào thị trường.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt, trước hết chúng ta phải khẳng định chuyện “được mùa, mất giá” đối với nhiều mặt hàng nông sản là hậu quả tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp manh mún, thiếu kế hoạch, thiếu liên kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
“Mặc dù nhà nước đã có quy hoạch, trong đó có tính đến yếu tố cung cầu, thị trường tiêu thụ sản phẩm nhưng việc kiểm soát thực hiện quy hoạch là rất khó khăn do có quá nhiều hộ nông dân tham gia sản xuất. Trong khi đó, các hộ tham gia chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ khiến việc điều tiết để khớp hoàn toàn giữa nhu cầu thị trường với kế hoạch sản xuất là điều không hề đơn giản” - ông Sơn nói.
Để thoát khỏi tình trạng trên, ông Sơn cho rằng: “Trước hết, đối với người nông dân cần phải có kiến thức về thị trường. Trước khi tiến hành trồng cây gì, nuôi con gì người nông dân cần tìm hiểu về thông tin thị trường cũng như vấn đề quy hoạch của nó. Nông dân cần xem xét cây trồng của mình đã có nhiều vùng trồng chưa, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt.
Mặt khác, vai trò định hướng, tư vấn của các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương cũng rất quan trọng. Các tổ chức đơn vị này cần thông tin tuyên truyền định hướng cho người dân trong vùng về quy hoạch cây trồng và vận động người dân thực hiện đúng quy hoạch”.
Liên kết doanh nghiệp - nông dân
Theo ông Sơn, định hướng của chúng ta trong tương lai chính là từng bước hình thành liên kết xâu chuỗi và áp dụng công nghiệp cao vào sản xuất. Đặc biệt, sắp tới đây Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi Nghị định 109 về vấn đề liên kết sản xuất để buộc các doanh nghiệp khi ký hợp đồng xuất khẩu lớn buộc phải có vùng nguyên liệu. Tức là doanh nghiệp phải hình thành vùng liên kết sản xuất với nông dân, có vùng nguyên liệu mới được phép kinh doanh lĩnh vực xuất khẩu.
Ông Sơn cho biết thêm, trong thời gian vừa qua các mô hình sản xuất mới đã được doanh nghiệp và các bộ, ngành áp dụng nhằm tìm ra lời giải cho “bài toán vừa được mùa vừa được giá”. Một trong những mô hình đó là sản xuất liên kết sâu theo chuỗi và ứng dụng công nghệ cao. “Đây được xem là “chìa khóa vàng” để nông nghiệp phát triển bền vững - ông Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh khâu ứng dụng công nghệ cao, thì việc liên kết sản xuất cũng là một nút thắt quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững.
Tại mô hình trồng chuối và liên kết với nông dân cũng như hợp tác xã và các doanh nghiệp thu mua, Công ty TNHH Thuận Tâm Thành (Hưng Yên) được mệnh danh là “vua chuối” đất Bắc. Trong lúc có rất nhiều cuộc “giải cứu” chuối cho nông dân Đồng Nai và các tỉnh phía Nam do chuối ế ẩm, thì ở vựa chuối lớn nhất nhì miền Bắc của Công ty Thuận Tâm Thành “không có hàng bán”.
Hiện, Công ty Thuận Tâm Thành đã mở rộng quy mô trồng chuối ra 6 tỉnh thành với diện tích lên đến 250ha, trong đó sản phẩm chính là chuối tiêu hồng. Do áp dụng quy trình trồng chuối sạch công nghệ cao nên sản phẩm chuối 3T của anh Thành luôn bán được giá tốt. Thông thường, với loại chuối xấu mã trên thị trường chỉ có giá 5.000 - 6.000 đồng/kg, nhưng chuối 3T loại 3 của anh Thành bán được 8.000 đồng/kg. Chuối loại 1, 2 chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, được thị trường Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc ưa chuộng.
“Bà con còn trồng kiểu tự phát, không tập trung, thì không xuất khẩu được “bí cả đầu ra”. Không cứ gì chuối, nhiều loại hoa quả khác cũng vậy, nên mới sinh ra cảnh “thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa” - anh Thành nói.
Do vậy, theo anh Thành, bà con phải liên kết dạng hợp tác xã, với các doanh nghiệp thu mua và có hợp đồng trồng quy mô lớn, thống nhất cùng một giống, ngày nào phun thuốc, ngày nào bón phân… phải ghi chép rõ ràng. Lúc thu hoạch cần có thời gian cách ly, không thể xuề xoà đối với thị trường xuất khẩu./.