Tại chương trình gặp gỡ năm 2017 giữa lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh với 160 học sinh đại diện đến từ các trường trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn sáng nay (28/3), nhiều vấn đề nóng liên quan đến văn hóa ứng xử học đường đã được đề cập thẳng thắn.

nong chuyen van hoa ung xu hoc duong
Học sinh phát biểu tại chương trình gặp gỡ với lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM.

Hoạt động tư vấn tâm lý học đường chưa hiệu quả; việc giáo dục nhân cách chưa bám sát tình hình thực tế; nhiều học sinh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mạng xã hội; văn hóa giao tiếp học đường chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng bạo lực học đường vẫn còn tồn tại… là các vấn đề nóng được nhiều đại biểu học sinh đưa ra tại chương trình gặp gỡ với lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố theo chủ đề “Học sinh thành phố với văn hóa ứng xử học đường”. Trong đó, những bức xúc liên quan đến sự gia tăng, biến tướng của tình trạng bạo lực học đường, thái độ sống chưa đúng mực của một bộ phận không nhỏ học sinh trong môi trường giáo dục là nội dung thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh.

Nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng này một phần do tác động từ mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay. Khi chưa đủ chín chắn để xác định giới hạn đúng sai và chưa có cái nhìn đúng đắn về vấn đề tự do ngôn luận, không ít học sinh không làm chủ được bản thân, dẫn đến những hành vi bạo lực học đường. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu học sinh, mặc dù là vấn đề nóng nhưng đến nay, bạo lực học đường vẫn chưa được nhiều trường học xử lý rốt ráo. Không ít trường hợp gây nên tâm lý bức xúc cho học sinh do chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân đã đưa ra hình thức xử phạt.

Võ Tâm Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thượng Hiền kiến nghị: “Đến buổi gặp gỡ này, em mong lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố sẽ có những giải pháp như tổ chức các chương trình học thích hợp về văn hóa ứng xử học đường cũng như đề ra những cách tốt nhất để giải quyết các vụ bạo lực học đường ngày nay. Nhà trường có thể giải quyết các vấn đề bạo lực học đường theo cách giúp học sinh thấu hiểu mình đã sai, đem lại sự khâm phục trong các bạn thay vì sự bức xúc”./.