Quảng cáo trên mạng xã hội: Khó kiểm soát chất lượng sản phẩm
Không khó để tìm thấy những trang facebook quảng cáo bán hàng... từ thời trang, đồ gia dụng, mỹ phẩm và ngay cả thuốc chữa bệnh cũng được rao bán tràn lan. |
Không khó để tìm thấy những trang facebook quảng cáo bán hàng... Từ thời trang, đồ gia dụng, mỹ phẩm và ngay cả thuốc chữa bệnh cũng được rao bán tràn lan. Là người có sở thích shopping trên mạng, bạn Hương, sinh viên 1 trường đại học trên địa bàn TP Thái Nguyên đã không ít lần mua phải hàng hóa không giống như những lời quảng cáo mà các chủ shop online đưa ra.
Bạn Phạm Thị Thu Hương, sinh viên Trường Ngoại ngữ, Đại học Thái Nguyên chia sẻ: "Gần đây nhất, em có mua 1 chiếc váy và em thấy không giống chất vải ở trên hình và giá thành khi mua chỉ rẻ hơn ở ngoài shop 40.000 đồng".
Hàng loạt vụ thu giữ hàng hóa nhập lậu đã được Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện, thu giữ hàng nghìn sản phẩm đồ gia dụng, điện tử, hóa mỹ phẩm mà không có bất kỳ hóa đơn nào chứng minh nguồn gốc xuất xứ. |
Với sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, nhiều nền tảng mua sắm đã ra đời như Shoppe, Tiki, Lazada... lợi ích thì đã rõ, tuy nhiên, vấn đề kiểm soát chất lượng cũng như quản lý nguồn gốc, xuất xứ của nhiều mặt hàng vẫn còn nhiều khó khăn đối với các cơ quan chức năng... Mới đây, hàng loạt vụ thu giữ hàng hóa nhập lậu đã được Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện, thu giữ hàng nghìn sản phẩm đồ gia dụng, điện tử, hóa mỹ phẩm mà không có bất kỳ hóa đơn nào chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Đối với các điểm bán hàng online trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cơ quan Quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng bán hàng qua các trang Facebook, Zalo những hàng hóa sản phẩm, những dịch vụ mà không đảm bảo chất lượng so với giá tiền bỏ ra".
Trong khi tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp, cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, kênh mua sắm online đã đem lại nhiều tiện ích cho người mua. Tuy nhiên, không ít cá nhân đã lợi dụng kênh bán hàng online để tiêu thụ hàng kém chất lượng, người bán thì tự do đăng tải các sản phẩm mà không có đầy đủ các giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm... Còn người tiêu dùng thì đang mua bán bằng niềm tin vào những lời quảng cáo có cánh.
Ông Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cho hay: "Đối với người tiêu dùng cũng có nhiều ý kiến, phản ánh, có những thứ đảm bảo chất lượng, cũng có những thứ không đảm bảo chất lượng, bởi vậy, sự kiện cáo, phản ánh quyết liệt. Người tiêu dùng nên mua ở những sàn có đăng ký, có địa chỉ, có truy xuất nguồn gốc, những nơi đó họ chịu trách nhiệm trước nhà nước, trước người tiêu dùng và họ cũng kinh doanh minh bạch, lành mạnh hơn".
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet và các gian hàng trên không gian mạng, mỗi người cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức và sự cẩn trọng để tránh những phiền toái và rắc rối không đáng có khi giao dịch, mua bán online./.