Nở rộ gameshow "mai mối" trên truyền hình: Từ se duyên thành vô duyên
Kể từ khi format gameshow “Love Bus” - Xe bus tình yêu được Việt hóa thành “Hành trình kết nối những trái tim” - Chuyến xe tình yêu lên sóng năm 2008, đến nay là 10 năm, các gameshow “mai mối” se duyên đang có xu hướng tăng số lượng và đa dạng về hình thức trên các kênh truyền hình. Nhưng trò gì cũng có hai mặt nếu không có đủ tầm để kiểm soát, gameshow “mai mối” nếu không khéo sẽ trở thành vô duyên.
Chương trình "Bạn muốn hẹn hò". |
Áp lực công việc và quan tâm đến thành công của sự nghiệp đã ngăn trở rất nhiều các mối quan hệ và thời gian cho riêng mình. Gameshow “mai mối” tạo cơ hội cho những cuộc hẹn hò, se duyên, để tìm một nửa của nhau, có thể xem như một chương trình xã hội nhân văn đáp ứng yêu cầu có thật của giới trẻ và cả những người không còn trẻ.
Kể từ khi gameshow “Chuyến xe tình yêu” lên sóng và tồn tại đến năm 2017 sang phiên bản mới mang tên “Love house”- Ngôi nhà chung, hiện tại đã có rất nhiều gameshow “mai mối” trên các kênh truyền hình kể cả VTV. Nhưng cũng vì nhiều mà việc kiếm soát đã có phần lỏng lẻo, gây nên nhiều tình huống khá vô duyên, thậm chí còn tạo “gạch đá” cho nhân vật tham gia.
“Ông mai Bà mối” trên sóng truyền hình
Các gameshow “mai mối” se duyên ngày càng đa dạng, không chỉ khai thác cảm xúc, sở thích cá nhân mà còn đi từ con tim đến tận khầu vị và cái dạ dày. Tròn 10 năm, các gameshow này tồn tại với một đời sống riêng, ít gây ồn ào, ít scandal, và có chút lặng lẽ. Có thể bởi tính chất mang sự riêng tư và tế nhị, và có thể vì không có nhân vật “hotgirl”, “hotboy” hay “sao”, dù là công khai trên sóng truyền hình.
Tính từ gameshow “Chuyến xe tình yêu” năm 2008 và vẫn còn tiếp tục với phiên bản mới từ năm 2017, đến gameshow mới nhất vừa lên sóng 7/3/2018 trên HTV là “Khúc hát se duyên” thì gameshow “mai mối” đã lên con số hơn 10 chương trình: “Chuyến xe tình yêu”- “Hành trình kết nối những trái tim” hay “Ngôi nhà chung” từ năm 2017, “Bạn muốn hẹn hò”, “Vì yêu mà đến”, “Yêu là chọn”, “Yêu là cưới”, “Vợ chồng son”, “Giai điệu chung đôi”, “Quý cô hoàn hào”.
Mới lên sóng từ 13/12/2017 là “Lựa chọn của trái tim” (Việt hóa “Sexy Beasts”- Quái vật quyến rũ, gameshow hẹn hò giấu mặt ăn khách nhất nước Anh), tìm hiểu và chọn nhau thông qua tính cách, thần thái, không quan tâm đến ngoại hình. Và một format khác mang tên “Ẩm thực kỳ duyên” cũng sắp sửa lên sóng trong năm 2018...
Chương trình "Lựa chọn của trái tim". |
Qua các gameshow “mai mối” này, khán giả có dịp chứng kiến các hành vi, cảm xúc vốn dĩ rất riêng tư của các bạn trẻ, thậm chí không còn trẻ trên đường tìm kiếm và lựa chọn “nửa kia” như “Yêu là chọn” ra số đầu tiên ngày 10/10/2017, dành cho những bạn độc thân ở mọi lứa tuổi.
Một số gameshow đã có nhiều cái kết “happy end” như trong “Vì yêu mà đến” (Việt hóa từ “Phi thường hoàn mỹ”, gameshow nổi tiếng của Trung Quốc), là chương trình dành cho người bình thường có cơ hội tỏ tình với người nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực hoặc mạng xã hội, đang được xem là một trong những gameshow “mai mối” hot nhất hiện nay, có cả triệu lượt người xem lại trên youtube mỗi tập, tập đầu tiên phát sóng ngày 14/9/2017, đến nay đã đạt con số hơn 7 triệu lượt view, trên fanpage của gameshow này đã có hàng ngàn ý kiến bình luận.
"Hành trình kết nối những trái tim” đã se duyên cho hàng trăm bạn trẻ qua 8 năm tồn tại; “Bạn muốn hẹn hò” (format chương trình “Punchi de Deto” của Nhật Bản) sau 9 năm phát sóng với 360 số đã giúp 35 cặp nên vợ chồng, rating luôn cao, dao động từ 6.5 đến 8.5, nằm trong top các chương trình có rating cao của HTV7, các clip phát sóng trên youtube có lượt view cao, có tập trên 10 triệu lượt người xem.
Đặc biệt, năm 2017 đánh dấu hàng loạt gameshow “mai mối” thuần Việt ra đời: “Yêu là chọn”, “Yêu là cưới”, “Vì yêu mà đến”… Đặc biệt trong năm 2017 cũng đánh dấu sự “mai mối” bằng “Giai điệu chung đôi”, hẹn hò qua âm nhạc đầu tiên trên sóng truyền hình Việt, và đến năm 2018 thì thêm một “Khúc hát se duyên” với slogan: Lãng mạn- Hài hước- Cảm động- Bất Ngờ- Gay Cấn- Hồi Hộp, vừa phát sóng 2 tập từ đầu tháng 3 trên HTV7 dành cho những bạn trẻ độc thân, sở hữu khả năng ca hát tốt.
Mai mối đôi khi vô duyên
Cũng giống như các gameshow khác trên truyền hình, ban đầu mới thì gây tò mò, và vì là “món lạ” khác với các gameshow hài, ca nhạc… đã quá nhàm chán, nên gameshow “mai mối” cũng khá ăn khách. Vì thấy “ăn” nên lập tức các nhà sản xuất vội tung hàng loạt chương trình lên sóng.
Ngoài các format Việt hóa, thì những chương trình thuần Việt vấp ngay sự trùng lắp về ý tưởng và nội dung, người chơi đến với chương trình không hẳn là “vì yêu” mà chủ yếu để được nổi tiếng, thậm chí, thí sinh cũng “chạy sô” để tham gia các chương trình hẹn hò trên truyền hình. Thậm chí có gameshow sắp đặt trước, tạo kịch bản tình huống gây “nóng” để câu khách.
Ông mai bà mối Tiến Luật và Thu Trang trong gameshow "Khúc hát se duyên". |
Không những thế, một số chương trình vô tình (hay trình độ kiến văn của đạo diễn kém), đã hạ thấp giá trị nhân phẩm phụ nữ, không phù hợp văn hóa Việt, như gameshow “Lựa chọn của trái tim” trong tập 1, để một bạn nam hẹn hò thử với ba bạn nữ xong loại từng bạn một? Bạn nam ngồi như ông vua đầy quyền lực, rồi móc mỉa nhận xét chê bai ba bạn nữ đang đứng dưới nghe và chờ đợi sự lựa chọn... Kiểu ngồi của nhân vật nam được dân mạng ví như "vua chúa tuyển cung tần".
Giống như chiêu trò diễn là chính, trong tập 2 của gameshow này, một thí sinh nữ loại hai anh chàng đẹp trai để chấp nhận anh xấu trai, nhưng rồi “xù” không gặp. Hay việc gây sốc bằng cách tạo ra các phiên bản “lỗi” về các nhân vật văn học như làm xấu thêm ngoại hình Thị Nở, vô tình khiến nhiều khán giả cảm thấy khó chịu. Còn trong “Khúc hát se duyên”, hát để tìm người trong mộng mà quên lời thì còn “duyên” đâu mà “se”.
Mang ý nghĩa “mai mối” se duyên cho các cặp đôi hẹn hò trên truyền hình nhưng thực tế thì ý nghĩa lại không như mong đợi. Nhiều thí sinh tham gia chương trình không hẳn vì tìm nửa còn lại mà chỉ đến để mong nổi tiếng… Những gì lung linh, có khi như tiểu thuyết ngôn tình trên truyền hình hoàn toàn ngược lại ở thực tế.
Một hotgirl khi tham gia chương trình đã không ngần ngại chia sẻ “Tôi tham gia chương trình vì thích format chương trình mà thôi, chứ chuyện tìm người yêu thì tôi chưa từng nghĩ đến”. Như trong gameshow “Vì yêu mà đến”, thí sinh nam bị khán giả phát hiện gian dối vì đã có bạn gái ngoài đời, hay có những cặp đã chọn nhau trong chương trình nhưng ngay sau đó tố nhau “diễn” trên sóng, giả tạo và chia tay liền sau đó…
Cũng có trường hợp khán giả phát hiện một thí sinh tham gia cùng lúc hai gameshow “Vì yêu mà đến” và “Lựa chọn của trái tim”, dùng cùng một cách tỏ tình như đã học thuộc để diễn xuất ở cả hai chương trình với hai cô gái. Cả hai gameshow này cùng của một nhà sản xuất.
Hay để yếu tố ngoại hình không phải là chuyện bận tâm, nên make up thí sinh nữ xấu đi, để rồi thí sinh nam lựa chọn bỏ cô xấu, chọn cô xinh hơn (theo hình thức bên ngoài), nhưng đến khi cô xấu trở lại nguyên hình là cô gái rất xinh đẹp, nam thí sinh tỏ ngay ý bỏ cô đã vừa chọn để theo cô này, một sự sỉ nhục bạn gái cùng tham gia, gây bao nhiêu “gạch đá” cho nam thí sinh và gameshow.
Cái gì nhiều quá cũng sẽ tới lúc dư thừa và rơi vào quy luật nhàm chán, chưa kể là sẽ không thoát các scandal, chiêu trò để cạnh tranh và câu khách phản văn hóa, thiếu nhân văn. Có nên hạn chế bớt đừng để “nở” thêm những gameshow “mai mối” trên sóng? Khi tầm kiểm soát cả về nội dung và quy mô chương trình, các thí sinh tham gia… còn hạn chế?
Bởi không khéo từ se duyên mà trở thành vô duyên./.