Nợ bảo hiểm xã hội: Quá nhiều doanh nghiệp sẽ làm khổ người làm thuê
Thời gian qua, cơ quan BHXH Việt Nam đã cung cấp hơn 1.100 hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng BHXH cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để khởi kiện.
Tuy nhiên hiện chưa có một đơn vị hay doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội nào bị kiện ra tòa. Nhiều đơn kiện bị tòa trả lại do công đoàn không thể sửa đổi, bổ sung được những nội dung tòa yêu cầu.
Doanh nghiệp nợ đọng BHXH làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người lao động. |
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, hiện có 31.428 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 2.220 tỷ đồng. Trong đó, hơn 15 doanh nghiệp có số nợ từ 3 tháng trở lên. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động, năm 2017, các cấp công đoàn Hà Nội quyết tâm khởi kiện những doanh nghiệp này ra tòa.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Liên đoàn lao động Quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, trên địa bàn quận hiện có 2.300 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền là 198 tỷ đồng. Hiện cơ quan này đang tiến hành khởi kiện 6 doanh nghiệp ra tòa, tuy nhiên, khi triển khai việc khởi kiện vấp phải nhiều khó khăn, bất cập do công tác hoàn thiện hồ sơ gặp nhiều lúng túng. Mặc dù Bảo hiểm xã hội quận Hoàng Mai cũng đã cung cấp đầy đủ các chứng cứ cũng như danh sách các doanh nghiệp nợ đọng BHXH với số tiền lớn để Liên đoàn lao động quận lập hồ sơ và gửi sang Tòa án quận nhưng chưa được xử kiện và chưa có một tòa án nào trên địa bàn thành phố Hà Nội xử kiện các vụ kiện liên quan tới các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Ông Nguyễn Văn Ngọc nói: “Hiện tại chỉ có những người đã chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc ở doanh nghiệp mới chủ động, tự tin. Những người lao động đang làm việc tại công ty lại rất e dè trong việc khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn khởi kiện. Chính vì vậy các cán bộ công đoàn vẫn mong muốn là sửa đổi các văn bản để làm sao tổ chức công đoàn chúng tôi được trực tiếp khởi kiện như BHXH trước đây”.
Không chỉ ở quận Hoàng Mai, mà các liên đoàn lao động trên cả nước đều gặp khó khăn khi khởi kiện. Thực tế năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở khó có thể thực hiện việc khởi kiện, tham gia tố tụng. Trong khi đó, chưa có một văn bản pháp luật nào hướng dẫn cụ thể về quy trình, điều kiện pháp lý để công đoàn cơ sở có thể đại diện khởi kiện một vụ tranh chấp lao động tập thể ra tòa án.
Cùng với đó, công đoàn cấp trên cơ sở chỉ được khởi kiện khi có giấy ủy quyền của công đoàn cơ sở hoặc người lao động.... Với những khó khăn đó, đòi hỏi công tác phối hợp giữa BHXH với công đoàn cần phải liên kết, hỗ trợ để thực sự khởi kiện được những doanh nghiệp trây ỳ…
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Chúng tôi vẫn mong muốn thời gian tới bên cạnh BHXH phải hợp tác chặt chẽ với tổ chức công đoàn để tiến hành khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH thì cũng cần đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra việc các doanh nghiệp thực hiện luật về BHXH giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHXH”.
Để khắc phục tình trạng nợ đọng của các doanh nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra toà án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố định kỳ báo cáo cấp ủy và chính quyền địa phương về tình hình thực hiện thu nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn; Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị sử dụng lao động. Hàng quý, Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi thông báo danh sách các doanh nghiệp nợ tiền lớn, thời gian kéo dài từ 3 tháng trở lên đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố để phối hợp chỉ đạo công tác thu nợ.
Ông Phạm Lương Sơn nói: “Chúng tôi kiến nghị với Chính phủ để trình với Quốc hội những giải pháp, những cơ chế cả về mặt tài chính, pháp lý mang tính mạnh hơn, hiệu quả hơn để giảm tình trạng nợ đọng kéo dài. Từ năm 2016, đặc biệt là từ năm 2017, chúng tôi sẽ công bố, công khai danh sách các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng và đặc biệt là nợ đóng kéo dài trên các phương tiện truyền thông trong thời gian tới. Hy vọng các đơn vị sẽ tăng cường thêm tính tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người lao động”.
Khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn. Để việc khởi kiện thực sự đạt được kết quả, đòi hỏi Bảo hiểm xã hội và tổ chức Công đoàn đồng hành thực hiện thật tốt trách nhiệm của mình, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động./.