Những thách thức ngoại giao nào của Mỹ đang chờ đợi ông Donald Trump?
Quan hệ với Nga - bạn sẽ tốt hơn thù?
Mối quan hệ với Nga luôn là ưu tiên hàng đầu của mỗi Tổng thống Mỹ ngay khi lên nắm quyền và ông Trump cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, hành xử với Nga như thế nào chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng đối với các Tổng thống Mỹ.
Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã sẵn sàng "xắn tay" giải quyết các thách thức ngoại giao "hóc búa" của nước Mỹ. Ảnh: AP |
Suốt 3 đời Tổng thống gần đây nhất của Mỹ là ông Bill Clinton, ông George Bush và ông Barack Obama đều đã cố “giải mã hiện tượng” Putin nhưng đều đã thất bại hoặc có dồn ép được Tổng thống Nga Putin cũng khiến Mỹ gặp không ít khó khăn.
Theo các chuyên gia, điều này là bởi cả 3 đời Tổng thống Mỹ dù có cách tiếp cận khác nhau nhưng đều coi Nga là “đối thủ lớn nhất của Mỹ”. Cách hành xử có phần tiêu cực này không đem lại lợi ích gì cho cả Nga và Mỹ mà còn khiến quan hệ giữa hai bên ngày càng xấu đi kéo theo một loạt những bất đồng liên quan đến một loạt vấn đề quan trọng trên toàn cầu như cuộc khủng hoảng Syria, vấn đề hạt nhân Iran và mới đây nhất là quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Khác với 3 Tổng thống Mỹ nói trên, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump có một cách tiếp cận khác hẳn. Ngay trong thời gian diễn ra các cuộc bầu cử sơ bộ và các cuộc tranh luận với bà Clinton, ông Trump liên tục ca ngợi Tổng thống Nga Putin là một nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới. Đáp lại, ông Putin cũng đã dành cho ông Trump nhiều “lời có cánh”.
Dù chưa rõ sự thân thiện giữa ông Trump và ông Putin có giúp cải thiện quan hệ Nga-Mỹ và “phá băng” những bất đồng hiện nay giữa hai nước hay không nhưng ít nhất điều này cũng tạo ra những kỳ vọng về sự thay đổi tích cực mà 2 cường quốc hàng đầu trên thế giới có thể đem lại.
“Giải mã” được Nga, khủng hoảng Syria sẽ được giải quyết
Việc có được tiếng nói chung với Tổng thống Nga Putin được kỳ vọng sẽ mở đường cho ông Trump tiến tới giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, nơi quân đội Nga-Mỹ đang đối đầu gay gắt về việc cần phải tập trung chống lại kè thủ chung nào. Một khi đã xác định được rõ mục tiêu này, vấn đề Syria sẽ nhanh chóng được giải quyết.
Hiệu ứng “domino” từ vấn đề Syria, nhất là khi Nga-Mỹ có thể đánh đuổi được IS ra khỏi quốc gia Trung Đông này sẽ nhanh chóng lan sang Iraq, nơi liên quân do Mỹ dẫn đầu cũng đang giành được những chiến thắng mang tính quyết định trước IS ở Mosul.
Một khi IS đã sạch bóng ở Syria và Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn lý do gì để hiện diện quân tại hai quốc gia nói trên. Những rắc rối về quan hệ tay ba Nga-Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ khi đó cũng sẽ tự tiêu tan.
Hơn thế nữa, việc IS bị tiêu diệt hoàn toàn cũng sẽ giúp tình hình an ninh tại Mỹ hiện “căng như dây đàn” sau một loạt các vụ tấn công khủng bố trên khắp châu Âu và trên chính đất Mỹ “hạ nhiệt đáng kể”.
Rõ ràng, sự thân thiện tưởng chừng như “rất bất thường” với Nga của Tổng thống mới đắc cử Trump được kỳ vọng sẽ trở thành “một mũi tên bắn trúng nhiều đích” khi cùng lúc giúp ông Trump giải quyết một loạt các vấn đề “hóc búa” từng khiến 3 người tiền nhiệm của ông “đau đầu”.
Tranh chấp Biển Đông - đồng minh cần sự trấn an mạnh mẽ hơn từ Mỹ
Chính sách xoay trục sang châu Á của Tổng thống sắp từ nhiệm Barack Obama hiện đang phải đối mặt với một Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn ở Biển Đông.
Hơn thế nữa, việc Philippines - đồng minh lâu đời nhất trong khu vực vốn luôn được kỳ vọng sẽ giúp Mỹ kiềm chế được tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông - đang “phát tín hiệu” muốn xa lánh Mỹ và xích lại gần hơn với Trung Quốc có thể khiến chính sách xoay trục sang châu Á của ông Obama sụp đổ hoàn toàn.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, động thái muốn “rời xa Mỹ” như Tổng thống Philippines Duterte từng tuyên bố chỉ là nhằm gửi đến Mỹ một thông điệp rằng, Mỹ cần có những động thái cứng rắn hơn nữa nhằm răn đe Trung Quốc và trấn an đồng minh Philippines.
Hơn thế nữa, các chuyên gia cho rằng, ông Duterte cũng muốn Mỹ có những sự hỗ trợ thiết thực hơn cho Philippines để nước này có thể đối phó với "sự o ép" của Trung Quốc trên Biển Đông, nhất là ở khu vực bãi cạn Scarborough - nơi Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng và cấm ngư dân Philippines được khai thác dù bãi cạn này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Rõ ràng, những chính sách cứng rắn mà ông Donald Trump đề xuất - ít nhất là so với Tổng thống đương nhiệm Obama - không chỉ đáp ứng được kỳ vọng của phía Philippines mà còn được cho là sẽ ngăn được tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Điều này sẽ giúp Tổng thống mới đắc cử Donald Trump “ghi điểm” trong mắt các đồng minh của Mỹ và nâng cao tầm ảnh hưởng và uy tín của Mỹ trên toàn thế giới.
Như vậy, có thể thấy rằng, dù có thể có cách tiếp cận khác biệt so với 3 Tổng thống trước đó của nước Mỹ trong các vấn đề ngoại giao, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể mang lại những kết quả tích cực cho thế giới và “đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại như trước” theo đúng tinh thần mà ông muốn truyền tải trong suốt thời gian vận động tranh cử của mình./.