Ông Macron đối diện núi thách thức sau mùa Hè thảm họa sụt giảm uy tín
Kỳ nghỉ hè đầu tiên trên cương vị Tổng thống của ông Emmanuel Macron u ám vì chỉ số tín nhiệm cá nhân sụt giảm. Một núi các thách thức, vì thế, đang chờ ông Macron trong những ngày tới.
“Chiến trường” đầu tiên là việc cải cách Luật Lao động bằng sắc lệnh. Đây là dự án ưu tiên của ông Macron, được nêu ra trong chiến dịch tranh cử Tổng thống.
Mục tiêu của cải cách này là nhằm tạo sự năng động hơn trong thị trường lao động ở Pháp dựa trên tính mềm dẻo, linh hoạt hơn trong thỏa thuận giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, một biện pháp mà theo ông Macron sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, điều mà các đời chính phủ Pháp thời gian qua đều thất bại. Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp hiện nay vẫn ở mức cao là 9,5% và hơn gấp đôi ở lực lượng lao động trẻ.
Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề nhạy cảm, dễ bị coi là phương hại đến lợi ích của người lao động, bởi sự linh hoạt sẽ tạo điều kiện cho giới chủ lợi dụng, và phần thua thiệt luôn ở phía người làm công. Bài học về những cuộc biểu tình phản đối sửa đổi Luật Lao động El Khomri (tên vị nữ Bộ trưởng Lao động chủ trì soạn thảo bộ luật sửa đổi này) năm 2016 vẫn còn nóng hổi.
Mặc dù vậy, Tổng thống Emmanuel Macron đã hạ quyết tâm thực hiện dự án này. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của tuần báo Le Point ngày 30/8, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố kiên quyết: "Cải cách thị trường lao động là một biến đổi sâu rộng, và như tôi đã cam kết, chương trình cải cách này phải có nhiều tham vọng và hiệu quả để tiếp tục giảm thất nghiệp và cho phép không đề cập lại chủ đề này trong suốt nhiệm kỳ 5 năm”.
Ông Emmanuel Macron còn đưa ra các lập luận bảo vệ quyết định hành động nhanh bằng “sắc lệnh”. Bởi theo ông, “để làm cho mọi việc được ngã ngũ và tạo ra được các kết quả thì phải mất khá nhiều thời gian”.
Phần đông các đối tác xã hội đều lên tiếng phản đối. Công đoàn CGT, một trong những nghiệp đoàn lao động lớn tại Pháp đã kêu gọi biểu tình vào ngày 12/9. Lãnh đạo đảng Cực tả “Nước Pháp bất khuất”, Jean Luc Mélenchon, cũng lên tiếng kêu gọi biểu tình vào ngày 23/9.
Tuy nhiên, theo các cuộc thăm dò dư luận, đa số nhỏ người Pháp (52%) ủng hộ cải cách Luật lao động và gần 70% tán thành 4 trên 5 biện pháp liên quan đến cải cách Luật lao động được Thủ tướng Édouard Philippe đưa ra ngày 31/8 gồm các điểm quan trọng như tăng cường đối thoại xã hội trong các doanh nghiệp; mở rộng khả năng đàm phán đi tới thỏa thuận trong doanh nghiệp mà không có các công đoàn hay trưng cầu ý kiến trong doanh nghiệp theo sáng kiến của ban lãnh đạo.
Trong khi đó, ngoại trừ những người ủng hộ Đảng Cộng hòa Tiến bước (LREM) và cánh trung hữu, đa số (70%), đặc biệt là những người cánh tả, vẫn phản đối nguyên tắc định mức trần bồi thường cho các lao động bị sa thải.
Trong đối ngoại, Tổng thống Emmanuel Macron tiếp tục ưu tiên cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và Hồi giáo cực đoan. Ông đã thể hiện điều đó trong Hội nghị các Đại sứ Pháp ngày 29/8. Việc phái Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng tới thăm Iraq ngày 25/8 và dự định đích thân thăm Trung Đông cho thấy Tổng thống Emmanuel Macron tiếp tục quan tâm đến khu vực này và đang khẩn trương chuẩn bị cho vai trò ảnh hưởng của Pháp sau khi lãnh địa IS bị xóa sổ.
Liên quan đến vấn đề người tị nạn, Pháp đã đăng cai Hội nghị EU-châu Phi thu hẹp (gồm các nước EU chủ chốt: Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Tchad, Lybia, Niger, những nước có nhiều người di cư) về vấn đề này tại Paris ngày 28/8.
Và để tìm kiếm sự đồng thuận từ các nước Đông Âu trong quan hệ song phương và trong các công việc của EU, ông là Tổng thống Pháp đầu tiên tới thăm Bulgaria (25/8) trong 10 năm trở lại đây.
Việc củng cố Liên minh châu Âu, các cuộc đàm phán về Anh ra khỏi EU (Brexit), sự lựa chọn chính sách quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Nga trong hoàn cảnh mới hay tiếp tục đi đầu trong thực hiện Thỏa thuận COP21 cũng là các ưu tiên quan trọng khác của ông Macron.
Guồng máy chính quyền của Tổng thống Macron đang chạy hết tốc lực ngay trong những ngày đầu tiên kết thúc kỳ nghỉ. Hơn ai hết, ông Macron hiểu rằng, sau một mùa Hè thảm họa về uy tín cá nhân, khi sự ủng hộ của dân chúng Pháp tụt xuống chỉ còn 40%, chính quyền của ông phải hành động và gặt hái những kết quả cụ thể càng sớm càng tốt./.