Những kết quả ấn tượng trong phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015-2020
Nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế của Thái Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó khu vực công nghiệp có mức tăng bứt phá

Nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế của Thái Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó khu vực công nghiệp có mức tăng bứt phá, nâng cao khả năng cạnh tranh và đang chuyển dịch về cơ cấu theo đúng định hướng; từ đó, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng năng suất và nâng cao đời sống nhân dân. Theo đó, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành công nghiệp cả giai đoạn đạt 16,3%/năm (vượt 1,3% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX). Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,5%/năm; công nghiệp địa phương tăng 15,4%/năm; công nghiệp Trung ương tăng 12,4%/năm. Quy mô giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn năm 2020 đạt 803.000 tỷ đồng, đứng thứ tư về quy mô giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 99% tổng giá trị sản xuất. Công nghiệp phát triển đã thúc đẩy mạnh hoạt động xuất - nhập khẩu, tốc độ tăng bình quân giá trị xuất khẩu đạt 13,1%/năm. Trong đó, xuất khẩu địa phương tăng bình quân 20%/năm; xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,9%/năm, chiếm 98,2% tổng giá trị xuất khẩu.

Ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục thống kê Thái Nguyên cho biết: "Chúng ta đã thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư; từ thu hút đầu tư tốt cho nên chúng ta đã có sự chuyển dịch nhanh trong khu vực kinh tế công nghiệp. Cho đến nay, cơ cấu khu vực công nghiệp và xây dựng đã chiếm tới 60% trong cơ cấu kinh tế chung. Đây là sự đột phá rất lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế".

Những kết quả ấn tượng trong phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015-2020
Lĩnh vực công nghiệp góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người lao động

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thành tựu trong lĩnh vực công nghiệp nói riêng của nhiệm kỳ 2015-2020 đạt được cho thấy bước đi đúng đắn, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Trong đó, phải nói đến những quyết tâm, nỗ lực đáng kể của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và thu hút đầu tư, ưu tiên cho các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Đây cũng là giai đoạn đánh dấu những bước đột phá của tỉnh khi xây dựng thành công nhiều khu công nghiệp tập trung, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư.

Ông Đoàn Như Hải, Giám đốc Công ty KDH Technology Thái Nguyên chia sẻ: "Khi tôi chuyển từ Vĩnh Phúc về khu công nghiệp Điềm Thụy để hoạt động, tôi thấy cơ sở hạ tầng ở khu công nghiệp Điềm Thụy khá tốt".

Còn bà Đinh Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Aluminium Hàn Việt cho hay: "Công ty được các sở, ban, ngành của tỉnh Thái Nguyên rất nỗ lực quan tâm, đặc biệt trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất".

Đại diện lãnh đạo huyện Phú Bình, ông Dương Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: "Huyện Phú Bình xác định phải triển khai nhanh nhất, sớm nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất, luôn luôn đồng hành hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp đã và đang đến nghiên cứu, đầu tư xây dựng trên địa bàn".

Với những chính sách cởi mở trong thu hút đầu tư và tiềm năng, lợi thế về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực chất lượng cao, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra mục tiêu xây dựng Thái Nguyên phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Để cụ thể hóa mục tiêu này, tỉnh sẽ thực hiện chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, công nghiệp sạch, sản xuất hàng xuất khẩu; tập trung quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội...Với những lợi thế và quyết tâm đó, Thái Nguyên đã sẵn sàng để từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030./.