Xem thêm video về công tác bảo vệ tài nguyên nước:

Trạm xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình, Thị xã Phổ Yên có diện tích quy hoạch gần 7ha. Bắt đầu đi vào vận hành từ quý II/2014, Trạm hiện đang xử lý hơn 35 nghìn m3 nước thải/ngày đêm cho Nhà máy Samsung Thái Nguyên và các nhà máy phụ trợ khác trong KCN. Với công nghệ tiên tiến và tự động hóa cao, trong đó, ưu điểm lớn nhất là công nghệ xử lý nước thải từ nuôi cấy vi sinh và giá thể bằng hạt gel của Nhật Bản, theo đánh giá, nước thải sau khi được xử lý tại Trạm có các thông số và nồng độ đạt quy chuẩn Việt Nam.

nhieu giai phap bao ve tai nguyen nuoc
Hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ của Nhật Bản của Nhà máy có tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Nước sạch và Nước thải KCN cho biết "Với hệ thống xử lý hiện đại được đầu tư, chúng tôi cam kết nguồn nước thải ra môi trường sẽ không gây ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt sẽ đáp ứng mọi điều kiện và quy định của pháp luật. Nếu để xảy ra tình trạng sai phạm, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm".

Không riêng các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, mà thực tế việc chấp hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước, môi trường đã được nhận thức trên nhiều lĩnh vực. Trang trại chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Ngọc Lân, ở xóm Phúc Thành, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ làm một minh chứng điển hình. Với quy mô chăn nuôi lên tới 4.000 con lợn thịt/lứa, nên việc giải quyết vấn đề môi trường luôn được trang trại đặc biệt quan tâm.

nhieu giai phap bao ve tai nguyen nuoc
Nhận thức được tầm quan trọng về nguồn nước thải trong chăn nuôi, ông Lân đã đầu tư trên 3 tỷ đồng cho hệ thống xử lý nước thải của Trang trại

Ông Lân vui vẻ cho biết "May mắn được lựa chọn tham gia Dự án xây dựng mô hình ứng dụng xử lý chất thải chăn nuôi sau Bioga, công nghệ Nhật Bản, được hỗ trợ 70% kinh phí trong tổng số tiền là 3 tỷ đồng. Đây là công nghệ được cấp bằng sáng chế và ứng dụng rộng rãi tại nhiều trang trại chăn nuôi gia súc tại Nhật Bản. Công nghệ Saibon xử lý phân và nước thải sau chăn nuôi lợn đảm bảo tiêu chuẩn loại B, QCVN 01-79:2011/BNNPTNT. Khi áp dụng công nghệ Saibon tại Nhật Bản đã mang lại hiệu quả rất cao, chi phí vận hành và sửa chữa thấp, phù hợp với điều kiện các quy mô trang trại tại tỉnh". Ông nói thêm "Mặc dù biết đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải là hết sức khó khăn, nhưng ngày nào còn duy trì trang trại là ngày đấy chúng tôi còn phải cố gắng làm cho thật tốt".

Được biết, trang trại của gia đình ông Lân cũng là cơ sở duy nhất của tỉnh và cơ sở thứ 2 của miền Bắc được thực hiện dự án này. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đề xuất UBND tỉnh nhân rộng mô hình này trên địa bàn, qua đó góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm không khí và nguồn nước, góp phần giải quyết bài toán xử lý ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi tại các địa phương.

Ông Nguyễn Bá Chính, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định "Thời gian qua, Sở đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản quản lý, đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực quản lý về tài nguyên môi trường, trong đó có các giải pháp về quản lý nước thải. Bên cạnh đó, Sở đã chủ động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhân dân về pháp luật môi trường, cũng như vai trò, trách nhiệm của người dân đối với nguồn thải. Xây dựng một số điểm quan trắc nước tự động ở các vị trí trọng điểm như Sông Cầu, Hồ Núi Cốc, ở khu vực đầu nguồn nước, tiến tới nhân rộng lắp đặt hệ thống này ở các địa phương. Mặt khác, Sở đang tiếp tục tham mưu cho tỉnh triển khai một số dự án xử lý nước thải, đầu tư hạ tầng xử lý nước thải khu công nghiệp, xử lý nước thải chăn nuôi sau Bioga và tiếp tục lập các dự án cải tạo, phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do khai thác, chế biến khoáng sản; các đoạn sông suối bị bồi lấp…".

Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hằng năm, kiểm tra đột suất, lấy mẫu đánh giá chất lượng xả thải… Qua kiểm tra cho thấy nhìn chung các đơn vị đã có ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên vẫn còn các sai phạm trong thực hiện các nội dung trong giấy phép. Đối với các sai phạm này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản chỉ đạo thực hiện khắc phục các tồn tại được phát hiện trong kiểm tra và xử lý vi phạm theo các quy định pháp luật.

nhieu giai phap bao ve tai nguyen nuoc
Bên cạnh việc chấp hành các quy định về xử lý nước thải, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại những cơ sở chăn nuôi chưa chú trọng đến công này. (Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi lợn của bà Bùi Thị Nguyên làm chủ tại xóm Tân Tiến, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ)

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 4.500 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có khoảng 40% cơ sở có phát sinh nước thải. Mỗi năm lượng nước thải ra khoảng 30-32 triệu m3. Nước thải trong chăn nuôi và nước thải sinh hoạt hiện nay chưa được xử lý. Đối với nước thải sản xuất công nghiệp tuy đã được xử lý song chưa triệt để, còn tình trạng các cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của một bộ phận nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu là các cơ sở này có công nghệ sản xuất lạc hậu, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có công nghệ xử lý phù hợp, thiếu ý thức trong công tác bảo vệ môi trường.

Do đó, thời gian tới, công tác quản lý và xử lý cần tiếp tục được đẩy mạnh để góp phần đẩy lùi nguy cơ thiếu nước sản xuất, sinh hoạt và chất lượng nguồn nước mặt không còn bị “đe dọa” như hiện nay. Khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình, Ông Nguyễn Bá Chính, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nói "Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, xây dựng nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, người dân trong công tác BVMT. Chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các chương trình, đề án nhằm tăng cường nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về BVMT. Yêu cầu các đơn vị có nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống cảnh báo ô nhiễm tự động để kết nối với các cơ quan quản lý Nhà nước theo dõi, giám sát. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm theo quy định, kể cả việc phải xử lý hình sự"./.