Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân tại khu vực nông thôn
Ngay trên trục đường 266, cách UBND xã Điềm Thụy vài trăm mét rác thải chất thành đống tràn cả ra lòng đường, khiến cho việc đi lại của mọi người gặp nhiều khó khăn. |
Là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trên địa bàn huyện Phú Bình, trong những năm qua, trên địa bàn xã Điềm Thụy đã hình thành các khu, cụm công nghiệp thu hút hàng chục nghìn công nhân đến sinh sống và làm việc. Việc tăng dân số cơ học nhanh chóng, trong khi đó việc quy hoạch các bãi tập kết rác thải tập trung tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu, khiến cho việc xử lý rác thải sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ngay trên trục đường 266, cách UBND xã Điềm Thụy vài trăm mét rác thải chất thành đống tràn cả ra lòng đường, khiến cho việc đi lại của mọi người gặp nhiều khó khăn. Không những vậy, mùi hôi thối từ những đống rác thải bốc lên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân ở khu vực xung quanh.
Bà Dương Thị Dung, xóm Thuần Pháp, xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình chia sẻ: "Cuộc họp nào chúng tôi cũng đề nghị lên để các đồng chí Trưởng xóm, Bí thư đề đạt lên trên để chuyển khu rác này đi, đỡ ảnh hưởng người dân ở sát, mùi hôi và ruồi bâu vào phun thuốc cũng không khử trùng được hết".
Theo người dân, tại điểm tập kết rác thải tự phát này, mỗi ngày có đến trên 20 xe rác thải được thu gom đưa về đây. Theo đại diện lãnh đạo UBND xã Điềm Thụy, hiện nay, xã chỉ có thể dành 90 triệu đồng để hợp đồng với Trạm Dịch vụ cấp nước và Môi trường huyện thu gom rác thải tại các điểm với tần suất 15 chuyến xe/tháng. Trung bình 1 chuyến xe chỉ tải được khoảng 6,5m³ rác, trong khi đó, mỗi ngày tại các điểm tập kết trên có khoảng trên 40 khối rác thải dồn về... Số lượng rác thải lớn như vậy, tuy nhiên, nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển của huyện cấp cho địa phương còn hạn chế. Trong khi đó, việc thu tiền rác của người dân tại khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn, chưa có cơ chế cụ thể.
Để khắc phục tạm thời tình trạng ô nhiễm tại các điểm tập kết trên, hằng năm, xã cũng tổ chức nhiều buổi ra quân thu dọn rác thải tại các điểm tập kết. Ngoài ra, xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trong nhân dân; phân công lực lượng trực chốt tại các điểm, qua đó, phát hiện, nhắc nhở và xử phạt hành chính một số trường hợp vứt rác trộm, không đúng nơi quy định… Song, xem ra đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, chưa giải quyết hết tình trạng tồn đọng rác thải hàng ngày trên địa bàn.
Ông Dương Ngọc Thơm, Chủ tịch UBND xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình cho hay: "Về giải pháp, chúng tôi cũng đề nghị huyện đầu tư tăng chuyến, hỗ trợ thêm kinh phí vì 1 năm ngân sách của xã bỏ ra hơn 100 triệu đồng, trong đó huyện cấp bù 25 triệu đồng. Đây cũng là khó khăn nhất định. Thứ hai là chúng tôi sẽ không để những điểm tập kết rác ở dọc các đường tỉnh lộ mà sẽ đưa vào những nơi đảm bảo quỹ và đề nghị công nhân thu gom đưa lên xe chuyên dụng để bốc lên xe".
Tại khu vực cuối kênh dẫn nước Hồ Núi Cốc thuộc phường Tích Lương, thành phố Thái Nguyên, tình trạng người dân thiếu ý thức thường xuyên vứt rác thải xuống dòng kênh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. |
Không chỉ có việc ô nhiễm mỗi trường từ rác thải tại xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình. Thời gian gần đây, theo phản ánh một số người dân khu vực cuối kênh dẫn nước Hồ Núi Cốc thuộc phường Tích Lương, thành phố Thái Nguyên tình trạng người dân thiếu ý thức thường xuyên vứt rác thải xuống dòng kênh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho Nhà máy xử lý nước sinh hoạt Tích Lương. Theo người dân, rác thải từ đầu nguồn đưa về dưới dòng kênh đủ các loại, từ các bao tải đựng rác, túi ni lông, thậm chí cả xác động vật. Việc ô nhiễm như vậy không chỉ làm mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là cuộc sống của những người dân sống ở khu vực gần bờ kênh. Đến nay, chưa có những giải pháp hữu hiệu nào từ phía cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm này.
Ông Nguyễn Văn Yên, tổ 3, phường Tích Lương, thành phố Thái Nguyên cho biết: "Rác thải cứ đến hôm xả nước thì đầy, đọng lại, vì rác trôi về nhiều, công nhân nhà máy phải vào đây vớt".
Ông Nguyễn Văn Nhuận, tổ 3, phường Tích Lương, thành phố Thái Nguyên cho biết thêm: "Chúng tôi đã kiến nghị vài trăm mét có bể rác cho người dân để rác, hiện nay, chưa có nên người dân vẫn vứt rác xuống sông".
Là địa phương nơi cuối nguồn cấp nước sinh hoạt cho Nhà máy nước sạch Tích Lương, UBND phường Tích Lương cũng thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên tuyền, vận động, nâng cao ý thức người dân trên địa bàn phường về trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước trên kênh dẫn nước Hồ Núi Cốc, đặc biệt là các hộ dân sống ở gần khu vực dòng kênh. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là nhiều khi ý thức kém của người dân từ phía đầu nguồn vứt rác thải trôi theo dòng nước ùn ứ ngay tại cửa cống dẫn nước vào nhà máy nước sạch.
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND phường Tích Lương, thành phố Thái Nguyên thông tin: "Các cấp có thẩm quyền cần phối hợp, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, vận động người dân từ đầu nguồn trở xuống. Chúng tôi ở gần cuối của nguồn nên bị ảnh hưởng theo. Chúng tôi phối hợp với Nhà máy nước sạch Tích Lương dọn dẹp ở đầu nguồn cửa cống vào để đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân".
Để giảm thiểu những tác động xấu từ ô nhiễm môi trường đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân tại các vùng nông thôn hiện nay, thiết nghĩ, các cấp ngành, cơ quan chuyên môn liên quan cần có những giải pháp có tính bền vững. Trên cơ sở rà soát lại các quy hoạch quản lý chất thải hiện có, các địa phương cần có kế hoạch, lộ trình để đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô liên xã, liên huyện phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh công tác thu gom, phân loại rác thải tại nguồn. Tuyên truyền, tạo thói quen cho người dân ý thức gom rác bỏ vào nơi quy định, không vứt bừa bãi ra các sông, kênh mương… tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật bảo vệ môi trường, có như vậy, môi trường ở các khu vực nông thôn mới tốt hơn được./.