Nhạc sĩ Phạm Tuyên tiết lộ bị "ép" sáng tác “Trường cháu là trường mầm non”
Xuân Mai hát "Trường cháu là trường mầm non" của nhạc sĩ Phạm Tuyên
“Sáng tác ca khúc mầm non vì con gái “dọa” không đi học”
“Ai hỏi cháu học trường nào đấy/ Bé vừa ngoan lại múa hát thật hay./ Cô là mẹ và các cháu là con,/ Trường của cháu đây là trường mầm non.
Ai hỏi cháu có trường nào vui thế/ Có bạn đông mà sao lớp sạch ghê./ Khi về nhà là lại nhớ trường hơn/ Trường của cháu đây là trường mầm non”, ca khúc “Trường cháu là trường mầm non” hầu như đã trở thành ca khúc nằm lòng ở nhiều trường mẫu giáo trên cả nước. Nhiều thế hệ từ ông bà, bố mẹ, con cháu… đã hát những lời ca thân thuộc này.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên được gia đình thực hiện chương trình âm nhạc mừng sinh nhật lần thứ 88. Vị nhạc sĩ chỉ "nhận quà" và không tham gia vào khâu biên tập chương trình... (Ảnh: Nguyễn Hằng) |
Nhưng thế hệ sau, chưa nhiều người đã biết tác giả ca khúc mầm non giản dị, thân thương ấy là sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Và ông đã sáng tác ca khúc dành cho lứa tuổi mầm non này trong hoàn cảnh khá đặc biệt.
“Hồi ấy, con gái tôi học trường mẫu giáo Thợ Nhuộm. Cô giáo con tôi biết bố nó là nhạc sĩ nên “xúi” về nói với bố viết cho trường mình một bài. Lúc đó, tôi chưa bao giờ có suy nghĩ mình sáng tác cho lứa tuổi mẫu giáo vì không hiểu về lứa tuổi mầm non. Trước đây, tôi viết những ca khúc thiếu nhi cũng chỉ từ cảm nhận của anh bộ đội viết cho thiếu sinh quân thôi.
Tôi mới nói với con gái rằng: “Khó quá, bố không viết được đâu”. Con gái “dọa” nếu tôi không viết, dứt khoát nó sẽ không đi học. Nhà tôi cũng động viên: “Thôi, viết cho con một tý. Với áp lực từ con gái và vợ, tôi đã viết “Trường cháu là trường mầm non””, nhạc sĩ Phạm Tuyên dí dỏm kể lại.
Vị nhạc sĩ đáng kính cho biết, sau khi ông sáng tác, các cô giáo ở trường con gái thích lắm và hát luôn. Với gợi ý của vợ, cố PGS.TS Tâm lý Nguyễn Ánh Tuyết, Phạm Tuyên đã dạy cho con gái hát. Khi trường mẫu giáo của con gái hát ca khúc này, nhiều trường mẫu giáo khác ở Hà Nội đã đến gặp ông xin được hát ca khúc này.
“Sau giải phóng, ca khúc mầm non lan rộng cả trong Nam ngoài Bắc và nhiều nơi các em còn đổi tên lại theo ước muốn của mình. Nhiều nơi họ hát thành “Trường của cháu đây là trường Hoa Sen”, hay “Trường của cháu đây là trường Hoa Cúc tuổi mười ba”…Người biểu diễn ca khúc này đầu tiên, con gái tôi- Hồng Tuyến giờ đã U50 rồi”, Phạm Tuyên cười hiền.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ tại buổi ra mắt đêm nhạc ngày 13/12 tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hằng) |
“Trên 700 tác phẩm đều có bóng dáng nhà tôi”
Trong tổng số đồ sộ trên 700 tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên, có hơn 200 tác phẩm viết cho thiếu niên, nhi đồng. Ngay từ khi ở chiến khu Việt Bắc ông đã có “Em vào thiếu sinh quân”, “Lớp học rừng” (1950), “Thiếu sinh quân ở một nơi thật vừa” (1950), tiếp theo là “Tiến lên Đoàn viên” (1954)…
Sau ca khúc “Trường cháu là trường mầm non”, với sự thẩm định và chia sẻ của người bạn đời, trong 200 tác phẩm dành cho thiếu niên, nhi đồng; nhạc sĩ Phạm Tuyên dành không ít tác phẩm cho lứa tuổi mầm non. Đặc biệt những ca khúc đồng dao như: “Con kiến mà leo cành đa”, “Cái bống bình”, “Bầu và Bí”, “Bà còng đi chợ”, “Gánh gánh gồng gồng”, “Cái cò đi đón cơn mưa”, “Tu hú là chú bồ các”, “Rềnh rềnh ràng ràng”, “Con chim chích choè”…
Ít ai biết rằng, chính người bạn đời của nhạc sĩ Phạm Tuyên, cố PGS.TS Tâm lý Nguyễn Ánh Tuyết là người đã thổi hồn vào trong những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhạc sĩ. Từ bà, Phạm Tuyên đã hiểu thêm về thế giới tưởng như trắng trong mà muôn vàn màu sắc, tưởng như giản đơn mà vô cùng phong phú của trẻ thơ. Nhiều sáng tác đi vào lòng người nhiều thế hệ của nhạc sĩ Phạm Tuyên bắt đầu bằng sự thấu hiểu con trẻ và thấu hiêu người bạn đời của nhà giáo Nguyễn Ánh Tuyết.
“Nhà tôi là Tiến sỹ Tâm lý học trẻ em, là Chủ nhiệm khoa đầu tiên Khoa Giáo dục Mầm non Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Lúc đầu tôi viết nhạc thiếu nhi với cảm nhận của anh bộ đội viết cho thiếu sinh quân, sau này viết cho thiếu nhi, nhà tôi bao giờ cũng thẩm định đầu tiên. Trẻ con từ 5- 15 tuổi, qua các giai đoạn khác nhau, tuổi mẫu giáo, nhi đồng, thiếu niên, tuổi sắp lớn, bài hát không thể giống nhau được”, nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ.
Khi được hỏi về ca khúc nào sáng tác riêng tặng người bạn đời, nhạc sĩ Phạm Tuyên nói: “Tôi tặng 700 tác phẩm cho nhà tôi, bởi bài nào cũng có nét, bóng dáng của nhà tôi trong đó”.
Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên. (Ảnh ST) |
Vị nhạc sĩ ở cái tuổi 88 rưng rưng khi nhắc đến người bạn đời đã ra đi trước mình ngót chục năm trời. Sau khi bà mất, Phạm Tuyên mới tìm thấy và đọc cuốn hồi ký bà đã tự viết về cuộc sống của ông bà “Chúng tôi đã sống như thế”. Sự thấu hiểu, chia sẻ, đồng cảm và tình yêu sâu nặng của bà đã khiến ông không kìm được nước mắt. Để đến với nhạc sĩ Phạm Tuyên, nắm tay ông đi hết quãng đường đời, nhà giáo Nguyễn Ánh Tuyết từng vượt qua nhiều rào cản, sóng gió của cuộc đời…
“Khi cuốn sách được đem đi in, đã có người thắc mắc có phải người viết là tôi? Vì sao cuốn hồi ký lại chân thực, hiểu tôi một cách tường tận như chính bản thân tôi viết. Cuốn sách đã nhận được rất nhiều đồng cảm của bạn bè và những người quan tâm, thậm chí có người tự đi photo lại vì cuốn hồi ký không bán trên thị trường”, Phạm Tuyên tiết lộ.
Về cuốn hồi ký này, MC Lại Văn Sâm chia sẻ mình đã đọc cuốn hồi ký của phu nhân nhạc sĩ Phạm Tuyên và anh càng thêm cảm phục, kính trọng cuộc sống riêng cũng như sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Điều đó cũng giúp anh khi đảm nhận vai trò người dẫn chương trình trong đêm nhạc mừng sinh nhật lần 88 của nhạc sĩ Phạm Tuyên, “Nhớ và Quên” ngày 14/1 tại Hà Hội.
“Nhớ và Quên” với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ gạo cội sẽ không chỉ mở ra những trang sử từ chính cuộc đời nghệ thuật của Phạm Tuyên bằng âm nhạc mà còn là câu chuyện tình yêu cảm động và nhiều sóng gió của người nhạc sĩ…