Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ: Nên bãi bỏ việc khai ấn, phát lộc
Ngày xưa trảy hội, bây giờ hỗn hội
Theo tiến sĩ Nguyễn Hùng Vỹ, câu chuyện về những vấn đề xung quanh các lễ hội giống như “đến hẹn lại lên”. Chuyên gia nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng này cho rằng, thực trạng hỗn loạn, bất cập không chỉ do người dân mà còn xuất phát từ cách quản lý. Phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn với ông về vấn đề này.
PV: Thưa tiến sĩ Nguyễn Hùng Vỹ, bằng kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu tín ngưỡng văn hóa, ông có thể lý giải như thế nào về những thực trạng ở các lễ hội truyền thống của Việt Nam hiện nay?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vỹ: Bao nhiêu năm nay, chúng ta vẫn tổ chức các lễ hội theo một kịch bản không hề thay đổi. Không thể đổ lỗi cho người dân trước thực trạng tranh giành, cướp giật hỗn loạn được. Bởi tất cả các kịch bản về lễ hội đều không thành công.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ. |
Ngày nay, mỗi mùa hội lớn đều thu hút hàng triệu du khách. Điều này là sự phát triển tự nhiên về dân số, kèm theo các điều kiện thuận lợi về giao thông, kinh tế, việc đi lễ, trảy hội đều trở nên dễ dàng, thuận tiện.
Ngày xưa đi hội là đi quanh làng, ai ai cũng biết nhau. Bây giờ đến hội không ai biết ai. Người người chen chúc, tranh giành nhau từng chút lộc. Ngày xưa thì trảy hội, bây giờ là hỗn hội.
Vấn đề là con người tăng đột biến nhưng không gian và thời gian lễ hội vẫn không thay đổi. Kể cả những lễ hội lớn, dù đã có sự chuẩn bị vẫn không lường hết được các tình huống xảy ra. Vấn đề an ninh, tính chất văn hóa của lễ hội vẫn không được đảm bảo.
Càng ở những lễ hội lớn như Hội Chùa Hương, Hội Gióng, Đền Trần, Yên Tử, Kiếp Bạc, tính thương mại hóa của lễ hội càng được thể hiện rõ nét. Với các nhà tổ chức, đây là yếu tố được đặt lên hàng đầu.
PV: Để “văn minh hóa” các lễ hội truyền thống, theo ông chúng ta nên thay đổi như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vỹ: Giải pháp đầu tiên vẫn là kịch bản cho lễ hội. Nếu lễ hội ngày càng đông thì ban quản lý và ban tổ chức cần mở rộng không gian lễ hội.
Cảnh chen chúc xin ấn ở Đền Trần (Nam Định) năm 2016. |
Tuy nhiên những nhà quản lý ở các khu di tích văn hóa hiện nay chủ yếu vẫn là những người “muôn năm cũ”. Tất cả các lễ hội nếu vẫn cứ diễn ra dưới sự đạo diễn của họ thì tình trạng lộn xộn sẽ không bao giờ chấm dứt được.
Việt Nam có rất nhiều đạo diễn tài ba được đào tạo, học tập từ nước ngoài về. Theo tôi nên mời những người này đứng ra tổ chức để thay đổi diện mạo của các lễ hội. Họ được tiếp cận với sự hiện đại của thế giới, có cái nhìn văn minh và đầu óc tổ chức khoa học.
Tôi từng biết ở Anh, “tục cướp vợ” đã được người ta biến thành “tục cõng vợ tế sinh” nổi tiếng thế giới. Bộ môn bóng đá cũng được người phương Tây biến tấu từ “tục dành nhau một quả cầu”.
Tại sao người Việt Nam không làm những điều tượng tự? Câu hỏi này phải dành cho các nhà quản lý văn hóa.
Nên bãi bỏ việc khai ấn, phát lộc
PV: Ông có cho rằng các lễ hội của chúng ta đã được phục dựng quá đà?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vỹ: Tất cả là do không có kịch bản tốt, thậm chí cũ kỹ, lạc hậu. Lễ hội nhếch nhác, thiếu quy hoạch hoặc quy hoạch thiếu khoa học, lãng phí.
Việc phát lộc ở lễ hội, đền, chùa đều phải có kế hoạch hết sức chu đáo. Năm nay làm chưa tốt thì phải tìm những người thay thế. Còn nếu không kiểm soát được nghĩa là văn hóa đã bị phá vỡ.
Các nhà quản lý cần chủ động làm việc đó chứ không thể chờ ý thức của người dân.
PV: Ông có khuyến khích việc thương mại hóa tín ngưỡng và phát triển du lịch tâm linh?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vỹ: Tôi không bao giờ sử dụng khái niệm tâm linh nữa vì khái niệm này đã bị lạm dụng quá nhiều. Nên dùng từ “tín ngưỡng văn hóa” thì đúng hơn. Nhưng kể cả ranh giới giữa tín ngưỡng văn hóa và mê tín dị đoan cũng rất mong manh.
Hình ảnh người dân phấn khởi vì xin được ấn Đền Trần. |
Nhiều người Việt đang nhầm lẫn trong chuyện khai ấn, phát lộc. Việc phát ấn theo truyền thống chỉ dành cho tầng lớp vua chúa, quan lại. Và cũng chỉ những người thuộc tầng lớp này mới đủ tài trí để thực hiện việc phát ấn. Những người phát ấn ở Đền Trần (Nam Định ) hiện nay đều không đáp ứng đủ tiêu chỉ để có thể thực hiện điều này. Tôi nghe nói sắp tới còn có khai, phát ấn ở cả khu Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) nữa. Điều này hoàn toàn không hợp lý.
Khai ấn là chuyện nhà quan, khai canh là chuyện của người nông dân, khai bút là của trí thức, khai trương nhà hàng là chuyện của thương gia. Cha ông ta đã nói rồi. Nếu không thuộc đúng thành phần mà vẫn cố tình “xin”, “khai” một cách tràn lan thì vô nghĩa.
Việc khai ấn tràn lan không chỉ bất hợp lý mà còn gây lộn xộn. Vô tình tạo nên cái nhìn méo mó, lệch lạc về văn hóa khai, phát ấn. Ấn hay lộc mà phải đi cướp thì không mang lại bổng lộc như nhiều người nghĩ.
Việc nhầm lẫn của đám đông một phần xuất phát từ công tác tổ chức của các nhà quản lý. Theo tôi, chúng ta cần hạn chế tối đa việc phát ấn, phát lộc. Thậm chí nếu bãi bỏ được thì càng tốt. Vì đây là điểm gây nên xung đột, cướp giật, tranh giành.
Văn hóa tín ngưỡng nếu gắn liền với du lịch để phát triển thì rất tốt, vì đây là ngành công nghiệp không khói. Vấn đề là chúng ta phải phát triển như thế nào. Bởi văn hóa chính là hình ảnh của một đất nước, một dân tộc.
PV: Xin cảm ơn ông./.