Nhà hát Chèo Hà Nội mang "bom tấn" đến cuộc thi nghệ thuật chèo
Không chỉ mang đến Cuộc thi nghệ thuật chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2016 số lượng vở diễn nhiều nhất, dàn diễn viên hùng hậu và tài năng nhất, Nhà hát Chèo Hà Nội còn trình làng 3 tác phẩm được đồng nghiệp gọi vui là “bom tấn” về cả sự đầu tư lẫn chất lượng nghệ thuật, trở thành đơn vị đầu đàn trong làng chèo Việt Nam.
Có thể nói, trong bối cảnh Chèo gặp khó khăn như hiện nay, việc Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng 3 vở diễn, mời được 2 đạo diễn hàng đầu làng sân khấu Việt Nam là NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng cùng sự đầu tư công phu, cầu kỳ từ âm thanh, ánh sáng, phụ trang, múa,... cho thấy sự nghiêm túc, nhiệt huyết và “sống chết” với nghề của lãnh đạo và nghệ sỹ trong toàn Nhà hát.
Những vở chèo do Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng luôn được đánh giá cao và chật kín khán giả. |
Không chỉ vậy, từ nhiều năm nay, Nhà hát Chèo Hà Nội mới thực sự là cái tên mà các đồng nghiệp làng chèo chờ đợi ở các hội diễn, các cuộc thi. Nhà hát Chèo Hà Nội luôn tạo được nét riêng, rất chèo mà vẫn rất Hà Nội.
Đó chính là sự sang trọng, thanh lịch, thậm chí một chút kiêu hãnh nhưng vẫn rất dân gian, truyền thống và mẫu mực. Những yếu tố này được minh chứng trong các vở diễn và trong mỗi “cuộc chơi” nghệ thuật như vậy, NSND Thúy Mùi – Giám đốc Nhà hát, người “cầm trịch” cho Nhà hát Chèo Hà Nội luôn tâm huyết và “chiến đấu tới cùng” trong việc đầu tư, dàn dựng những thứ đỉnh cao nhất của sân khấu chèo thế kỷ 21.
Dân mê chèo hẳn không quên “cuộc chơi” tiền tỉ khi Nhà hát Chèo Hà Nội dựng "Oan khuất một thời", đó là những thứ thuộc về sân khấu chèo hiện đại. Và khán giả cũng thật ngạc nhiên khi thấy một "Ngọc Hân công chúa" vô cùng chèo, rất mẫu mực, truyền thống. Đó chính là cách làm của Nhà hát Chèo Hà Nội, đã không “chơi” thì thôi, đã “chơi” là phải “tới”.
Làm hiện đại phải cực hiện đại với sân khấu hoành tráng, trang phục lộng lẫy, thời thượng, ánh sáng hiện đại nhất, âm thanh chất lượng cao,... Còn khi đã làm dân gian thì tối giản về đạo cụ tập trung vào âm nhạc, giọng hát và “chất” chèo truyền thống. Vì thế, cho đến tận bây giờ, "Nàng Sita" vẫn được Nhà hát Chèo Hà Nội mang đi diễn ở các địa phương, trong khi "Oan khuất một thời", hay "Ngọc Hân công chúa" vẫn “đỏ đèn” ở các điểm diễn, các hợp đồng doanh nghiệp hay những địa phương mê chèo.
Một cảnh trong vở "Nàng thứ phi họ Đặng". |
Ở cuộc thi nghệ thuật chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2016, Nhà hát Chèo Hà Nội thực sự gây “choáng” với đồng nghiệp và khán giả Ninh Bình. Các xuất diễn của đơn vị chèo Thủ đô luôn được đón đợi, chật ních khán giả, ngồi tràn cả lối đi, bất kể là diễn đêm khai mạc (Cánh chim trắng trong đêm) hay diễn vào sáng thứ 7 (Nàng thứ phi họ Đặng), thậm chí xuất diễn sáng thứ 2 đầu tuần mà khán giả chật như nêm, tiếng vỗ tay vang dội, kết thúc vở mà khán giả dùng dằng mãi chả muốn về (Chuyện tình trên bến Nam Xang)... Điều ấy minh chứng cho sự hấp dẫn của Nhà hát Chèo Hà Nội và chỉ có Chèo Hà Nội làm được ở thời điểm này.
3 vở diễn 3 phong cách và 3 màu sắc khác nhau. Cánh chim trắng trong đêm với đề tài hiện đại mang thông điệp nhân văn, "Nàng thứ phi họ Đặng" là dã sử đậm chất dân gian mang giá trị và tính tư tưởng cao, "Chuyện tình trên bến Nam Xang" với thủ pháp sân khấu hiện đại, ma mị mang tính chất giải trí cao mà vẫn rất chèo, rất nghệ thuật./