Nhà chống lũ cho trâu, bò: Mô hình hiệu quả giảm tổn thất cho dân
Trận lũ mới đây quét qua huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống người dân. Lũ lên nhanh và bất ngờ khiến nhiều người trở tay không kịp, nhiều người phải “bỏ của chạy lấy người”, mặc tài sản trôi theo dòng nước. Riêng tại xã Cam Tuyền, nhiều vật nuôi được an toàn nhờ những ngôi nhà tránh lũ cho trâu bò. Đây là nơi bị ngập sâu nhất ở huyện Cam Lộ nhưng không có một con trâu, con bò nào bị trôi hay chết vì lũ.
Nhà chống lũ cho trâu bò phát huy hiệu quả tránh lũ cho vật nuôi. |
Đối với người dân tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tài sản quý giá nhất là trâu bò nên bằng mọi giá, họ luôn cố gắng đảm bảo an toàn cho “đầu cơ nghiệp” của gia đình trước khi lũ ập tới.
Gia đình ông Trần Viết Bình, 61 tuổi, ở thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ nuôi 4 con bò, kinh tế chủ yếu dựa vào chăn nuôi. Nước lũ tràn về ngập gần đến mái nhà, thế nhưng nhờ có nhà chống lũ nên cả 4 con bò của ông Bình cùng lợn, gà, vịt đều bình an vô sự.
Ông Bình nói: “Dù một năm có 1 đến 2 cơn lũ nhưng nếu không có nhà chống lũ cho gia súc thì thiệt hại của bà con rất lớn”.
Những năm trước, ở xã Cam Tuyền chưa có mô hình chuồng chống lũ cho trâu, bò nên khi lũ tới, bà con phải dắt trâu bò lên đồi cao, nếu không kịp di chuyển sẽ bị cuốn trôi, thiệt hại rất lớn. Bây giờ, dù cho nước dâng ngập tứ phía nhưng đàn bò của các gia đình nơi đây vẫn an toàn trên nhà “lầu”, ung dung gặm rơm rạ.
Việc xây chuồng chống lũ không quá khó khăn, tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình. Nhà nào có kinh phí thì xây nhà chống lũ khoảng 30 triệu đồng, còn chưa đủ điều kiện thì xây nhà tầm 15- 20 triệu đồng. Dù đời sống khó khăn nhưng người dân ở đây đều cố gắng vay mượn để dựng nhà chống lũ phục vụ chăn nuôi.
Nhà chống lũ cho trâu bò phải đạt chiều cao tối thiểu từ 2- 2,5 mét tình từ mặt đất lên tới nền. Trung bình mỗi ngôi nhà rộng khoảng 15- 20 mét vuông, được xây dựng vững chãi trên các trụ bê tông cốt thép.
Tầng trên ngoài chức năng tránh lũ cho vật nuôi còn được tận dụng là nơi dự trữ rơm rạ, cỏ khô. |
Trên nhà vượt lũ có dự trữ đầy đủ cỏ khô, rơm rạ, thức ăn dành cho trâu bò, lợn gà trong những ngày nước lớn.
Ông Đoàn Ánh Phước, 49 tuổi, trưởng thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền cho biết, nếu không có nhà kiểu này thì chắc phải đến 2/3 số trâu bò ở thôn trôi theo dòng lũ. Gia đình nào có nhà chống lũ, chỉ cần nước lên là lùa trâu bò lên trên nhà chỉ mất tầm vài phút, vừa đảm bảo an toàn, vừa có thời gian thu dọn đồ đạc ở trong nhà.
Ông Phước cho biết: “Hiệu quả của nhà chống lũ cho vật nuôi rất lớn, gồm cả hai phần, vừa chống lũ giữ được trâu bò không bị trôi mất trong mưa lũ và làm nơi dự trữ thức ăn gia súc trong mùa mưa rét. Trận lũ năm nay nếu không có mô hình này thì không còn một con bò nào trên đất Bắc Bình này cả”.
Những năm qua, chính quyền xã Cam Tuyền đã tích cực vận động người dân xây dựng mô hình nhà chống lũ cho trâu bò nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ cho biết, đến nay cả xã đã có 100 gia đình làm được nhà chống lũ cho trâu bò.
Thường ngày phần dưới ngôi nhà dùng làm nơi ở cho trâu bò, khi có lũ thì đưa vật nuôi lên tầng trên. |
Ông Hoàng Liên Sơn cho biết: "Việc làm chuồng trại chống lũ cho trâu bò ban đầu là tự phát một vài mô hình và thấy có hiệu quả. Về phía nhà nước không có hỗ trợ gì trong việc xây dựng mô hình này, chỉ có vận động bà con nên nhân rộng"./.