Thủ tướng: Phải tập trung giải quyết bức xúc về nhà ở cho công nhân
Thủ tướng biểu dương các địa phương: Bình Dương, TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai thời gian qua đã quan tâm lo nhà ở cho công nhân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
“Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và của người dân. Không phải chỉ có Nhà nước, nếu không, chúng ta lại quay về bao cấp”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, phải coi đây là đầu tư cho phát triển, chứ không phải đầu tư tiêu dùng bình thường, bởi nếu để tình trạng công nhân, người nghèo không có nơi ở, bức xúc nhà ở thì đất nước không thể phát triển bền vững được.
Không chỉ lo sản xuất mà quên lo đời sống công nhân
Thủ tướng cho biết, theo khái niệm thì nhà ở xã hội có 9 nhóm đối tượng và thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng để bảo đảm cho những nhóm đối tượng này có nhà ở.
Thủ tướng hoan nghênh một số doanh nghiệp vừa qua đã chủ trương đầu tư, đưa ra những sản phẩm tốt, dù là làm thương mại, nhưng giá nhà chỉ vài trăm triệu đồng/căn hộ, để người nghèo có cơ hội chọn được nơi an cư. Gần đây, một nhà đầu tư đã lên kế hoạch về gói nhà ở với quy mô rộng lớn (khoảng 300.000 căn hộ), giá chỉ khoảng 700 triệu đồng/căn.
Tuy nhiên, trong những nhóm đối tượng này, Thủ tướng bày tỏ băn khoăn đặc biệt về đối tượng công nhân. Thời gian qua, nhà ở cho công nhân còn nhiều bất cập, nhất là nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp còn ít.
“Các nhóm đối tượng khác đều phải quan tâm, đều phải đẩy mạnh, triển khai đúng chương trình, kế hoạch, nhưng chúng ta hãy tập trung vào bức xúc hiện nay là nhà ở cho công nhân. Như đồng chí ở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa nói, 1,5 triệu người chưa có nhà ở tối thiểu cần thiết, cho nên đời sống công nhân còn quá khó khăn”, Thủ tướng nói và biểu dương các địa phương là Bình Dương, TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai thời gian qua đã quan tâm lo nhà ở cho công nhân. Thủ tướng lưu ý, hiện nay nhiều địa phương chưa có chương trình triển khai công tác này; chưa dành đất, chưa chọn được doanh nghiệp để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
“Chính sách pháp luật cơ bản đã có, câu hỏi đặt ra là địa phương các đồng chí có làm không, có quyết tâm chính trị trong thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, trong UBND để triển khai cụ thể không? Các bộ, ngành Trung ương có đặt vấn đề nguồn lực cho phát triển lĩnh vực này không?”, Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh: Cấp địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình này.
Thủ tướng cũng quán triệt tinh thần, mà như một số đại biểu đã nêu là “nhà ở cho người thu nhập thấp, nhưng chất lượng không được thấp” và cho rằng phải có nhiều phương thức làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, trước tiên lãnh đạo các doanh nghiệp, khu công nghiệp phải lo vấn đề này, “chứ không chỉ lo sản xuất, mà phải lo cho đời sống công nhân”.
Không thể nói người nghèo phải ở riêng
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển cho nhà ở xã hội cho phù hợp với tình hình mới. Trước hết, việc này giao cho một đầu mối chịu trách nhiệm là Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tham mưu ban hành và đề xuất ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cụ thể hơn.
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp chính sách tín dụng, thuế, bù lãi suất để khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính, nhất là nguồn lực trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội theo hướng tăng nguồn lực xã hội, giảm nguồn vốn Nhà nước, giảm dần hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, chuyển sang hỗ trợ tín dụng ưu đãi theo thông lệ quốc tế…
Các địa phương và Trung ương bổ sung chương trình phát triển nhà ở xã hội vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương tại Quyết định số 40 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ KH&ĐT nghiên cứu đề xuất, báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Nghị quyết 1023 về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư…
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, có cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp, tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở theo quyết định của Thủ tướng đã ban hành.
Thủ tướng yêu cầu khu đô thị nhà ở xã hội phải quy hoạch đồng bộ các thiết chế văn hóa, có một tỷ lệ thích hợp giữa nhà ở thương mại, tức phân khúc cao cấp hơn và nhà ở xã hội. “Tôi thấy một khu vui chơi giải trí rất vui, người giàu, người nghèo xuống cùng chơi, bình đẳng như thế, chứ không người giàu ở riêng, người nghèo ở riêng”, Thủ tướng nói về ấn tượng sau khi thăm khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội ngày 6/12.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở xã hội, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng vật liệu mới, giảm giá thành, đề xuất giải pháp, cơ chế, nguồn lực giải quyết triệt để vấn đề nhà ở nói chung, trong đó có nhà chống lũ hộ nghèo miền Trung nói riêng.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
“Vấn đề rất quan trọng là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở công nhân”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Tôi cho rằng, yếu tố lãnh đạo của địa phương quyết định sự thành công của nhà ở xã hội nói chung và đặc biệt là nhà ở cho công nhân. Trong đó có việc các đồng chí cải cách thủ tục hành chính nhanh gọn thuận lợi cho nhà đầu tư”.
Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị cộng tác hỗ trợ, tuyên truyền vận động thực hiện chính sách nhà ở xã hội, đặc biệt chú trọng vận động nguồn lực trợ giúp hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu nêu lên một số điểm mấu chốt ảnh hưởng đến chương trình nhà ở xã hội như đất đai, chính sách hỗ trợ, công tác tổ chức thực hiện.
“Nhu cầu nhà ở rất lớn, tới 80% người dân có nhu cầu thì đều là cần sự hỗ trợ thì mới lo được nhà ở cho gia đình. Chỉ 20% số người dân có khả năng tự lo, tự chi trả cho lựa chọn chỗ ở của mình”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Còn theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần một chương trình hỗ trợ lãi suất, chứ không thể để một dự án nhà ở xã hội có lãi suất vay cao như thế. Với quan điểm coi đây là một phần đầu tư quan trọng, nên dành một phần ngân sách chính thức từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp để lo vấn đề này. Bên cạnh đó, cũng cần hỗ trợ tín dụng cho người mua.
Sau hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách nhà ở xã hội.