Không chủ quan với dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò
Phun thuốc khử trùng tại chốt kiểm dịch động vật tạm thời xã Bình Long, huyện Võ Nhai |
Ngay khi phát hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò vào đầu tháng 11, chốt kiểm dịch động vật tạm thời đã được lập trên địa bàn xã Bình Long, huyện Võ Nhai. Vì là địa bàn giáp ranh, nên việc chống vận chuyển, giết mổ trâu bò nghi mắc bệnh có ý nhĩa hết sức quan trọng trong việc không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Chính quyền địa phương đã thực hiện theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, yêu cầu người dân không thả rông châu bò mà nuôi nhốt để hạn chế lây lan, ký cam kết không giấu dịch.
Anh Hoàng Quốc Trung, Trưởng chốt kiểm dịch động vật tạm thời xã Bình Long cho biết: “Thực hiện quy chế của chốt kiểm dịch, chặn tất cả phương tiện chở gia súc, gia cầm, đặc biệt là đại gia súc, khi qua đây phải dừng để chúng tôi kiểm tra, thực hiện nhiệm vụ. Nếu đủ điều kiện chúng tôi sẽ phun thuốc sát trùng và cho xe đi qua.”
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Võ Nhai cho biết: “Nhận hóa chất của Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản và cân đối ngân sách của địa phương, đơn vị đã mua vôi bột và hóa chất để phun phòng chuồng trại và bãi chăn thả.”
Ngành Thú y huyện Phú Bình truyên truyền người dân chủ động thực hiện phòng dịch cho đàn trâu, bò |
Còn tại huyện Phú Bình - địa phương có tổng đàn gia súc, vật nuôi lớn nhất tỉnh Thái Nguyên. Mặc dù thời điểm này chưa xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò song ngành Thú y cơ sở cũng đã khuyến cao người dân không chăn, thả trâu, bò, đồng thời phun thuốc tiêu trùng, khử độc để tránh tình trạng dịch chồng dịch khi bệnh dịch tả lợn Châu phi cũng đang có dấu hiệu diễn biến khó lường.
Ông Trương Đình Tài, tổ dân phố Thi Đua, thị trần Hương Sơn, huyện Phú Bình cho biết: “Gia đình cũng trồng cỏ cho trâu ăn thêm, khi sinh sản cho ăn cám. Xóm và thị trấn đã tổ chức tiêm một năm 2 lần cho trâu, bò, gia đình tôi đã tiêm đầy đủ.”
Chia sẻ thêm về các giải pháp phòng dịch, ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Bình cho biết: “Chúng tôi đã thống kê toàn bộ số trâu, bò, kiểm tra, rà soát trên địa bàn, từ đó phát hiện có trường hợp nào nhiễm bệnh sẽ báo ngay về Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện.”
Tuy nhiên, đến thời điểm này, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò đã tiếp tục xuất hiện tại thị xã Phổ Yên nâng tổng số ca dương tính với dịch được phát hiện trên địa bàn toàn tỉnh là 16 con, ở 11 hộ chăn nuôi trâu, bò.
Bà Nguyễn Thị Ngư, xóm Hòa Bình, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên cho biết: “Da bò cứ thâm xì lại, không ăn, bị chướng bụng, gia đình phải mời thú y đến kiểm tra, chữa trị ngay.”
Viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra trên trâu, bò và không lây sang người |
Nhận định nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát chặt chẽ giết mổ, lưu thông, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ các hộ chăn nuôi trâu, bò để theo dõi, giám sát dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên khử trùng, tiêu độc chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh.
Ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên cho biết: “Ngành chức năng của thị xã đã thống kê đàn trâu bò của từng hộ dân, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân không chăn, thả trâu bò ở bãi tập trung, phải có biện pháp cách ly, phòng chống kịp thời. Bên cạnh đó tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống theo hướng dẫn của chuyên gia, của Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh.”
Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo các địa phương và người dân: “Tình hình dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò hiện đang khống chế được, tại địa phương phát hiện sớm sẽ không lây lan mạnh. Bệnh này đã có vắc xin, chúng tôi đã làm việc với Cục thú y để triển khai thí điểm tiêm vắc xin. Trong khoảng 10 ngày nữa sẽ có vắc xin để tiêm cho trâu bò ở các địa phương có nguy cơ cao mắc bệnh.”
Viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra trên trâu, bò và không lây sang người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt, tiếp xúc, vận chuyển, thời gian ủ bệnh trung bình từ 4-14 ngày. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10-20%, tỷ lệ chết từ 1-5%./.