Nguy cơ cháy nổ từ nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh
Cuối năm 2015 tại một gia đình kinh doanh hàng tạp hóa tại phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên đã xảy ra cháy nghiêm trọng. Vụ cháy đã khiến 2 người trong một gia đình thiệt mạng, 1 người bị bỏng nặng và 2 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy bị thương…
Hiện trường vụ cháy xảy ra tại phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên cuối năm 2015 |
Kiểm tra tại cở sở sản xuất, kinh doanh vàng mã Thiệu Phượng, tại tổ 21, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên cũng đã phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình sản xuất. Hoạt động sản xuất từ năm 2015 với diện tích nhà xưởng và kho chứa trên 100m2; mỗi ngày cơ sở này sản xuất khoảng 20 vạn que hương và số lượng vàng mã rất lớn. Tuy nhiên, đến nay cơ sở vẫn chưa lập hồ sơ quản lý, theo dõi công tác PCCC; chưa xây dựng phương án chữa cháy theo quy định; công nhân tại xưởng chưa được tập huấn và cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về công tác PCCC…
Theo thống kê, trên địa bàn TP Thái Nguyên hiện có khoảng 10.000 nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Trong thực tế, việc thực hiện quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở của một số cá nhân, hộ gia đình chưa nghiêm túc, còn lấn chiếm hành lang, vỉa hè, xây dựng không đúng giấy phép. Đặc biệt là tình trạng tự ý treo lắp các bảng, nối dây diện không theo quy chuẩn. Đây chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây chập cháy.
Năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 148 vụ cháy, nổ, trong đó có 34 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; 6 tháng đầu năm 2019 xảy ra 87 vụ cháy trong đó 17 vụ cháy nhà ở kết hợp SXKD. Do đó, cháy nổ đối với loại hình này còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, yếu tố quyết định để ngăn ngừa nguy cơ này chính là ý thức của các chủ hộ kinh doanh. Cho đến khi nào việc chấp hành nghiêm các quy định về PCCC thì khi đó hỏa hoạn mới được đẩy lùi./.