Người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng xã hội
Thời gian qua, nhiều nạn nhân bị đối tượng giả danh cán bộ Công an, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua điện thoại

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra hơn 60 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng xã hội, với tổng số tiền bị chiếm đoạt trên 6,5 tỷ đồng.

Chị Phạm Thu H, ở phường Tân Thành, TP Thái Nguyên cho biết về trường hợp mình gặp phải: "Ngày 12/5, có cuộc điện thoại của 2,3 đối tượng gọi đến cho tôi và xưng danh là trung úy, đại úy, thuộc Công an TP Hồ Chí Minh. Hắn nói khi điều tra thì thấy tài khoản của tôi để điều tra xem số tiền mà chị đang đứng tên có liên quan đến đường dây rửa tiền hay không. Hắn nói vậy tôi cũng nghi ngờ và hỏi lại là giờ đóng băng nghĩa là như thế nào. Hắn bảo, bây giờ chị đi tất toán hết các quyển sổ tiết kiệm này và và gửi tiền vào chính tài khoản cá nhân của tôi chứ không vào bất kỳ một tài khoản nào cả. Tôi làm theo. Vào ngày 18/5, tôi thấy có nghi ngờ và nóng ruột tôi ra ngân hàng hỏi về tài khoản cá nhân của tôi thì còn 700 nghìn, còn 1 tỷ 625 triệu đồng đã mất trắng không còn”.

Đó chỉ là một trong nhiều nạn nhân bị đối tượng giả danh cán bộ Công an, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua điện thoại trong thời gian vừa qua. Điểm chung trong các vụ án là các đối tượng mạo danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thoại cho bị hại, thông báo về việc vi phạm pháp luật hoặc liên quan đến vụ án. Sau đó, bọn chúng yêu cầu các bị hại chuyển tiền vào tài khoản của chúng để làm căn cứ chứng minh bản thân không liên quan đến vụ án.

Có những vụ, chúng thông báo cho bị hại có lệnh bắt, lệnh tạm giam, cung cấp đường link độc hại và yêu cầu nạn nhân sử dụng điện thoại di động truy cập vào đường link trên. Đường link này là phần mềm độc hại, khi truy cập, người dùng sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân, mã OTP, mật khẩu tài khoản ngân hàng. Đồng thời, với lý lẽ cho rằng các cơ quan chức năng cần làm minh bạch hoạt động giao dịch của công dân, chúng yêu cầu bị hại nộp tiền vào tài khoản của chính bị hại; các đối tượng còn đe dọa các bị hại nếu không chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng thì sẽ tổ chức khám nhà, thậm chí bắt giam bị hại.

Với tâm lý tin tưởng vào cơ quan chức năng và sợ vướng vào vòng lao lý, các nạn nhân đã bị chúng dẫn dụ chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Tuy nhiên, tài khoản này đã bị hack, khi bị hại chuyển tiền vào đó thì các đối tượng lập tức chiếm đoạt.

Hơn 1 năm trước, chị Nguyễn Thị L sử dụng mạng xã hội Facebook thì có một người đàn ông tên nước ngoài kết bạn và nhắn tin làm quen. Sau một thời gian nhắn tin trò chuyện bằng tiếng Việt trên Facebook, người đàn ông cho biết hiện đang sinh sống tại Mỹ và sẽ chuyển cho chị một gói quà có giá trị lớn thông qua một công ty chuyển hàng quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh.

Sau đó, chị nhận được cuộc điện thoại của một người xưng là nhân viên công ty chuyển hàng quốc tế thông báo chị có một món quà được gửi từ nước ngoài về Việt Nam. Để hoàn tất thủ tục nhận quà, chị phải chuyển 16 triệu đồng vào tài khoản của chúng.

Bị hại Nguyễn Thị L kể lại: “Lúc bấy giờ nộp 16 triệu. Nó gọi điện cho liên tục, nó bảo là bây giờ phát hiện ra là số quà rất nhiều tiền. Bây giờ chị phải nộp thêm 45 triệu đồng nữa thì chúng em mới mang gói quà ấy trả chị. Càng ngày nó càng bắt gửi rất là nhiều. Khi gửi một lần rồi, gửi lần hai, gửi lần thứ ba rồi. Nó nói là phí trông kho, phí rửa tiền, mỗi lần nêu một lý do nào đó lại bắt chị gửi tiền. Nếu mà không gửi tiền vào đấy thì chị sợ mất khoản tiền trước. Chị gửi 7 lần, tổng số tiền là 1 tỷ 037 triệu”.

Người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng xã hội
Đường link của các đối tượng lừa đảo là phần mềm độc hại, khi truy cập, người dùng sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân, mã OTP, mật khẩu tài khoản ngân hàng

Ở thủ đoạn này, chúng thường có 3 đến 5 đối tượng. Một kẻ đóng vai người nước ngoài để tìm “con mồi” qua mạng xã hội, làm quen, “thả thính” bằng những lời hứa tặng quà giá trị lớn và rất nhiều tiền; những tên còn lại vào vai nhân viên hải quan, sân bay, bưu vận để liên lạc với nạn nhân qua điện thoại.

Đáng chú ý, chúng không bao giờ yêu cầu chuyển ngay một số tiền lớn mà chuyển thành nhiều lần với số tiền tăng dần, nạn nhân khi đã rơi vào mê trận thì không còn đủ sáng suốt để nhận ra, bỏ cuộc thì sợ mất số tiền trước, sợ mất quà, vậy nên hầu hết các bị hại đều chuyển tiền nhiều lần cho các đối tượng, đến khi không còn khả năng hoặc phát hiện bị lừa mới ra cơ quan Công an trình báo…

Ngoài các thủ đoạn trên, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn sử dụng một số phương thức tinh vi khác để lừa tiền của bị hại, như: Lập tài khoản giả mạo hoặc hack thông tin tài khoản facebook, zalo của bị hại, sau đó nhắn tin cho người thân, người quen của bị hại nhờ chuyển tiền, vay tiền, nạp thẻ điện thoại để chiếm đoạt tài sản. Mạo danh lực lượng Cảnh sát giao thông, điện lực, thuế, gọi điện thoại cho bị hại thông báo bị “phạt nguội”, nợ tiền điện, tiền thuế và yêu cầu bị hại chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để chiếm đoạt v.v…

Thượng tá Vương Phạm Hòa, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo người dân: “Khi thực hiện các giao dịch tài chính liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân trên mạng xã hội thì người dân cần tỉnh táo, cảnh giác. Khi phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị truy cập trái phép cần báo ngay cho ngân hàng chủ quan qua đường dây nóng hoặc thực hiện các thao tác quên mật khẩu để chặn, khóa, không cho các đối tượng truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng của mình. Khi cơ quan Công an có yêu cầu làm việc với người dân thì sẽ gặp trực tiếp, chứ không liên hệ qua mạng xã hội, mạng viễn thông”.

Người dân cần đề cao tinh thần cảnh giác, tự phòng ngừa, tự bảo vệ tài sản của mình trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng xã hội, đồng thời tích cực tố giác tội phạm tới cơ quan chức năng khi phát hiện các đối tượng có hành vi phạm tội để kịp thời ngăn chặn, không để hậu quả đáng tiếc xảy ra.