Người chăn nuôi khó chồng khó
Thời điểm này, giá cám vẫn đang lên mà giá gà từ cuối năm ngoái đến nay đều xuống thấp.

Anh Nguyễn Thanh Cường ở xóm Ngò, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình chăn nuôi trên 4.000 con gà mỗi lứa. Tuy nhiên, theo anh Cường thời điểm này, giá cám vẫn đang lên mà giá gà từ cuối năm ngoái đến nay đều xuống thấp. Chính vì vậy mà chăn nuôi của gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Thanh Cường chia sẻ: "Hiện tại, giá gà hơn 70.000 đồng/kg, nên tôi không có lãi, phải mua thêm phụ phẩm như ngô, thóc để ủ thêm, trộn với men".

Người chăn nuôi khó chồng khó
Không chỉ giá gà mà thời điểm này giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh đang ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, chỉ dao động từ 40.000-45.000 đồng/kg.

Không chỉ giá gà mà thời điểm này giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh đang ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, chỉ dao động từ 40.000-45.000 đồng/kg. Giá lợn giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao cộng thêm các chi phí phòng, chống dịch bệnh tăng khiến người chăn nuôi đang phải gồng mình gánh lỗ. Ông Bùi Đức Dũng, thị trấn Đu, huyện Phú Lương, Thái Nguyên: "Lẽ ra nuôi khoảng 100 con lợn nái thì phải có biện pháp giảm bớt những con nái không cần thiết; đàn lợn bột chăn khoảng 125kg thì chỉ chăn đến 100kg, bây giờ càng chăn càng lỗ".

Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu giá trị sản xuất chăn nuôi đạt trên 7.000 tỷ đồng; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 161.000 tấn. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này cần nhiều nỗ lực bởi người chăn nuôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn: giá sản phẩm chăn nuôi thấp hơn giá thành sản xuất trong khi chi phí đầu vào cao, sức mua giảm; khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất ngân hàng tăng… thêm vào đó, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, nhất là trong giai đoạn giao mùa hiện nay.

Bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Bình, Thái Nguyên cho biết: "Cơ quan chuyên môn thường xuyên tập huấn, khuyến cáo người chăn nuôi tái đàn như thế nào cho phù hợp; tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, đặc biệt là công tác quản lý đàn, giữ đầu con, giữ cân nặng và cung cấp thức ăn từng giai đoạn cho phù hợp để giảm giá thành".

Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên nhấn mạnh: "Đối với những hộ chăn nuôi phải duy trì lượng đàn nhất định trong chuồng, tránh trường hợp khi giá thấp, người chăn nuôi ồ ạt bán, ảnh hưởng sau này khi lên giá, điều tiết của thị trường lên, người dân không chủ động được con giống, không chủ động được điều kiện để sản xuất".

Chăn nuôi là sinh kế chính của nhiều hộ gia đình, bởi vậy dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song các hộ chăn nuôi vẫn đang nỗ lực các biện pháp để duy trì đàn vật nuôi. Hy vọng thị trường sẽ sớm khởi sắc trở lại, giá thức ăn chăn nuôi sớm ổn định để bà con yên tâm phát triển sản xuất. Từ đó góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của ngành chăn nuôi./.