Ngành than đang lộ nhiều yếu kém
Thực trạng của ngành than những năm gần đây đã cho thấy những tín hiệu đáng buồn. Sản lượng khai thác than không được cải thiện qua nhiều năm trong khi chi phí đầu vào cao khiến giá thành sản xuất bán than tăng cao hơn so với giá than nhập khẩu. Điều này khiến cho việc tiêu thụ than khó khăn, lượng than tồn đọng tăng cao, ảnh hưởng đến nền kinh tế, doanh thu chung của ngành cũng như thu nhập của người lao động.
TKV báo cáo nửa đầu năm 2017, sản lượng than nguyên khai là đạt gần 20 triệu tấn, đạt 55,2% kế hoạch năm. (ảnh minh họa: KT) |
Trong báo cáo sản xuất kinh doanh 6 tháng năm 2017 của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn cho thấy những con số hết sức “ấn tượng” như sản lượng than nguyên khai là đạt gần 20 triệu tấn, đạt 55,2% kế hoạch năm, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng than tiêu thụ đạt 18,03 triệu tấn dành cho tiêu thụ trong nước đạt 17,3 triệu tấn và xuất khẩu 686.000 tấn…
Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt trên 53.000 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm và bằng 110% so với cùng kỳ 2016. Riêng doanh từ thu than đạt 27.025 tỷ đồng, đạt 50 % kế hoạch năm, cũng bằng 110 % so với cùng kỳ 2016.
Tuy vậy, thời gian qua, nhiều dự án đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục lâm vào cảnh thua lỗ và không hiệu quả.
Theo Kết luận thanh tra tài chính tại Tập đoàn TKV, năm 2015 trong số 50 công ty kinh doanh có lãi số tiền gần 655 tỉ đồng nhưng 9 công ty kinh doanh thua lỗ số tiền hơn 592 tỉ đồng và tính lũy kế đến 31/12/2015 đã có 11 công ty thuộc TKV thua lỗ hơn 1.407 tỉ đồng. Riêng TKV có đến 7 công ty thua lỗ lên tới hơn 124 tỉ đồng trong năm 2015. Tính lũy kế đến hết 2015, 12 công ty lỗ tới hơn 284 tỉ đồng.
Từ những tồn tại trên có thế thấy, hoạt động của TKV trong thời gian qua yếu kém, thiếu sâu sát dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh không đạt kết quả như mong muốn.
Đáng chú ý, ngành này tích cực đầu tư vào cải tiến công nghệ, thay đổi quy trình khai thác từ mỏ lộ thiên, hầm lò và quy trình sàng tuyển, nhưng tổ chức sản xuất của chưa tốt, chỉ huy thiếu chặt chẽ, thiếu quyết liệt cho nên năng suất lao động chưa cao.
Tổng kết 6 tháng đầu năm, lãnh đạo TKV dự báo thị trường than 6 tháng cuối năm vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù lượng than tồn kho của TKV còn ở mức cao (khoảng trên 8,5 triệu tấn) nhưng thời gian qua Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn than của nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng, TKV đã thiếu năng động trong công tác thị trường khi không kịp thời điều chỉnh giá bán than linh hoạt để không bị tồn kho, giảm bớt áp lực về việc làm và dư nợ vay cao. Hoặc nhập khẩu than trong thời điểm giá thấp, tạo hiệu quả cho nền kinh tế.
Nhưng theo đại diện TKV, ngành than vẫn luôn cần phải có lượng than tồn kho dự trữ nhất định để đảm bảo an toàn năng lượng Quốc gia. Lượng tồn kho than không hẳn là do chất lượng than xấu, khó bán mà là định mức tồn kho được Nhà nước giao và hoàn toàn nằm trong định mức an toàn.
Một vấn đề khác cũng cần lưu ý là vấn đề đảm bảo việc làm, thu nhập của lao động ngành than. Tổng số lao động toàn Tập đoàn theo danh sách đến tháng 6/2017 là 108.800 người. Tiền lương bình quân 6 tháng ước đạt 9 triệu đồng/người/tháng, riêng khối lao động sản xuất than đạt 9,6 triệu đồng/người/tháng.
Thế nhưng, do sản xuất và kinh doanh than trong những năm trở lại đây gặp nhiều khó khăn, TKV hiện đang đẩy mạnh việc tái cơ cấu trong các đơn vị thành viên một lượng lao động đông đảo tại những đơn vị này. TKV đang yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiết giảm thêm 3.600 lao động chủ yếu làm công tác quản lý, phục vụ và phụ trợ, điều này cũng đang là bài toán nan giải cho TKV trong thời gian tới./.