Ngân hàng lại “chạy đua” lãi suất cao?
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn với lãi suất cao, thậm chí lên tới hơn 9%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất huy động thông thường, nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân. Tuy nhiên, lãi suất huy động từ chứng chỉ tiền gửi cao đang làm dấy lên lo ngại về lãi suất cho vay có thể tăng theo, đặc biệt là lãi suất trung, dài hạn.
Lãi suất ngân hàng được cho là có xu hướng đi lên (Ảnh minh họa: KT) |
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao. Chẳng hạn như Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tung ra chương trình huy động lãi suất 8,88%/năm với chứng chỉ tiền gửi 7 năm và 8,48% đối với kỳ hạn 5 năm một ngày.
Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng đưa ra mức lãi suất lên tới 8,8%/năm cho kỳ hạn dài từ 18 đến 60 tháng.
Thậm chí, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) còn tung ra một mức lãi suất cao lên tới 9,2%/năm áp dụng kỳ hạn 60 tháng với số tiền từ 5-10 tỷ đồng. Như vậy, so với lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn thì mức lãi suất dành cho chứng chỉ tiền gửi đang cao hơn từ 1-2%/năm. Bên cạnh mức lãi suất hấp dẫn, các ngân hàng còn đưa ra nhiều chính sách thu hút khách hàng như: xử lý hồ sơ nhanh chóng, dễ cầm cố chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi…
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, đây là động thái để cân đối lại nguồn vốn huy động của các ngân hàng. Bởi từ đầu năm 2017, các tổ chức tín dụng buộc phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Các chuyên gia cho rằng, với nhu cầu tín dụng tăng cao trong thời gian qua, không ít ngân hàng đã chạm trần trong tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, bởi vậy ngân hàng sẽ tăng cường huy động vốn trung dài hạn để đủ nguồn cho vay tương ứng. Việc phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng là một cách để tăng nguồn vốn trung và dài hạn này.
Ngoài ra, dù phải trả lãi suất cao hơn so với phương thức tiết kiệm thông thường, nhưng việc hút vốn qua phát hành chứng chỉ tiền gửi sẽ giúp ngân hàng yên tâm hơn trong kế hoạch sử dụng nguồn vốn. Vì hầu hết các kỳ hạn dài từ 3-5 năm hoặc lâu hơn. Nhờ vậy mà ngân hàng cũng đạt được tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mới. Tuy nhiên, cuộc đua lãi suất chứng chỉ tiền gửi ngân hàng như hiện nay có thể tác động khiến lãi suất cho vay có thể tăng theo, đặc biệt là lãi suất trung, dài hạn.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, nhận định: "Điều này không nằm ngoài dự đoán, năm nay lãi suất không những không giảm mà còn tăng. Điều này cũng chứng tỏ nhu cầu vốn của ngân hàng cao, thiếu vốn nên phải tăng huy động. Huy động vào tăng thì đương nhiên lãi suất đầu ra cũng tăng lên.
Ông Nguyễn Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo quy định của Thông tư số 06/2016, từ đầu năm 2017, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng giảm từ 60% xuống 50%. Do đó các tổ chức tín dụng buộc phải nâng lãi suất để huy động dài hạn để cho vay dài hạn.
Theo ông Nguyễn Tú Anh, trước mắt, việc này chưa ảnh hưởng mặt bằng lãi suất, đặc biệt trong ngắn hạn và trung hạn. Bởi, hiện nay, thanh khoản cho nguồn huy động ngắn hạn vẫn rất lớn. Nếu người dân chuyển sang chứng chỉ tiền gửi dài hạn thì cũng không ảnh hưởng tín dụng ngắn hạn vì đang dư thừa.
Mặc dù được hưởng mức lãi suất cao, song khách hàng muốn chuyển sang chứng chỉ tiền gửi ngân hàng cần cần cân nhắc kỹ, vì tiền gửi không cho phép rút trước hạn mà chỉ có thể cầm cố, chuyển nhượng. Cần tìm hiểu cụ thể về mức lãi suất và thời gian trả lãi, cũng như các mức phí và điều kiện ràng buộc trong trường hợp muốn lấy lại số tiền và bán lại chứng chỉ cho ngân hàng.
Đặc biệt, do hầu hết là kỳ hạn dài, nên khách hàng cần tìm hiểu về tình hình tài chính của ngân hàng. Bởi nếu xảy ra rủi ro, khách hàng chỉ có thể nhận được bảo hiểm tiền gửi cao nhất là 50 triệu đồng. Số còn lại phải đợi ngân hàng thanh lý tài sản mới trả lại cho khách hàng./.