Lãi suất cho vay khó giảm vì áp lực lạm phát
Sau khi liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2018, gần đây, lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại đã rục rịch tăng trở lại, nhất là ở kỳ hạn dài, với mức tăng từ 0,1 - 0,3 điểm phần trăm.
Cụ thể, Techcombank công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 6/8, điều chỉnh lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, lãi suất ở các kỳ hạn dài từ 12-36 tháng tăng 0,1 điểm phần trăm, lên mức 6,5%/năm; khách hàng gửi tiết kiệm online có thể được hưởng lãi suất 6,8%/năm.
MBBank cũng vừa điều chỉnh lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn 24 tháng là 7,5%/năm. VPBank cũng tăng lãi suất huy động cho các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng thêm 0,2 điểm phần trăm lên mức 7,2-7,4%/năm. Còn Eximbank áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng cao nhất hiện nay là 8%/năm.
Tại VietA Bank, mức lãi suất cao nhất 8,5%/năm được áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên. Riêng đối với kỳ hạn 7 tháng, khách hàng gửi tiền được hưởng lãi suất 8%/năm, nhưng nếu gửi tiết kiệm qua hình thức online sẽ được hưởng lãi suất 8,1%/năm.
Việc giảm lãi suất cho vay trong năm nay sẽ rất khó khăn. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo phân tích của chuyên gia tài chính-ngân hàng Cấn Văn Lực, lý do khiến một số ngân hàng đã và đang đẩy nhanh nguồn huy động vốn trung hạn là do trong 7 tháng qua, tín dụng đã tăng trưởng nhanh hơn so với huy động vốn, khoảng 8%, trong đó huy động vốn tăng khoảng 6%. Điều này cho thấy, các ngân hàng đang cần đẩy mạnh huy động vốn để có thể theo kịp tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Lý do thứ 2, các ngân hàng cần chuẩn bị cho nguồn vốn vào các tháng cuối năm, bởi đây là thời điểm nhu cầu tín dụng, nhu cầu sử dụng vốn tăng cao. Một lý do nữa là để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 06, từ ngày 1/1/2019, các ngân hàng được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, vì vậy cần phải chuẩn bị trước nguồn vốn trung và dài hạn nhiều hơn.
Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng lên, nhiều người lo ngại, lãi suất cho vay cũng sẽ chuyển động cùng hướng. Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho hay, hiện chưa có áp lực tăng lãi suất cho vay, bởi thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang khá tốt. Nhưng muốn giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay là rất khó. Bởi với quyết tâm của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục ổn định.
Ông Lực cho biết thêm, lãi suất trên thế giới đang tăng mạnh. Ngân hàng Trung ương các nước, ngân hàng Mỹ cũng đang tăng lãi suất. Cùng với đó, áp lực lạm phát năm nay vẫn còn khá lớn, nhu cầu huy động vốn tương đối cao; việc xử lý nợ xấu hiện nay đã diễn biến tốt hơn nhưng cũng cần có thời gian để xử lý tiếp...
Để đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng, các nhà băng vẫn tranh thủ đẩy mạnh hoạt động tín dụng, nhất là khi thị trường bất động sản ấm dần lên. Vì thế, việc cạnh tranh huy động, trong đó có cộng thêm biên độ lãi suất tiền gửi là khó tránh… Những yếu tố này cũng là rào cản cho việc giảm lãi suất từ nay đến cuối năm.
Trước tình hình đó, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV - ông Cấn Văn Lực khuyến cáo: “Để đảm bảo tăng trưởng sản xuất ổn định, cả ngân hàng và doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn vốn. Đặc biệt với doanh nghiệp, về lâu dài cần đa dạng hóa nguồn vốn của mình để giảm bớt lệ thuộc vốn vào ngân hàng, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn”./.