Nga yêu cầu ICJ bác đơn kiện của Ukraine do không có bằng chứng thuyết phục
Các đại diện Nga tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ngày 3/6 cho rằng, Ukraine đã không thể đưa ra được bằng chứng mới nào cho thấy sự hỗ trợ tình nghi của Nga đối với các lực lượng đối lập đòi ly khai ở miền Đông Ukraine.
Các thẩm phán tại tòa án Liên Hợp Quốc trong phiên điều trần vụ kiện do Ukraine đưa ra cáo buộc Moscow tài trợ cho các nhóm ly khai thân Nga ở Ukraine ngày 3/6.(Ảnh: Reuters) |
Năm 2017, Ukraine đã đệ đơn kiện Nga ra trước Tòa án Công lý quốc tế, với cáo buộc nước này “hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố”. Tháng 4/2017, Tòa án Công lý quốc tế đã bác bỏ yêu cầu triển khai các biện pháp khẩn cấp từ phía Ukraine, cho rằng, chưa có đủ các điều kiện cần thiết.
Tại phiên điều trần diễn ra một ngày trước tại trụ sở Tòa án Công lý quốc tế ở La Haye, Hà Lan, đại diện Nga Dmitry Lobach cho rằng, Ukraine đã không thể đưa ra đủ những bằng chứng thuyết phục khiến Tòa án Công lý quốc tế phải thay đổi ý kiến. Ông đồng thời tuyên bố, Tòa án Công lý quốc tế cần bác vụ kiện do không có đủ thẩm quyền xét xử.
“Nga rất tôn trọng Tòa án công lý quốc tế, với vai trò là cơ quan luật pháp quan trọng của thế giới. Với suy nghĩ này, chúng tôi đã xuất hiện trước tòa ngày hôm nay để chứng minh, vụ kiện do Ukraine đưa ra nên bị bác bỏ bởi Tòa án Công lý quốc tế không có đủ thẩm quyền xét xử”, đại diện Nga nêu rõ.
Trong đơn kiện của mình, Ukraine cáo buộc Nga vi phạm Công ước quốc tế về chống tài trợ cho khủng bố và Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc. Phía Ukraine cũng yêu cầu Nga phải bồi thường thiệt hại do những vụ tấn công mà nước này cho là nhằm vào dân thường, đặc biệt liên quan tới vụ máy bay MH17 của Malaysia bị bắn hạ tại miền Đông Ukraine hồi tháng 7/2014, làm 298 người thiệt mạng. Cũng giống như nhiều lần trước đó, Nga bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc này.
Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) được thành lập năm 1945 để giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia, phù hợp với luật pháp quốc tế. Tòa án Công lý quốc tế thường mất vài năm để phân xử các vụ kiện và mặc dù phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế là cuối cùng, mang tính ràng buộc, nhưng tòa lại không có cơ chế thi hành án./.