Nga-Mỹ cùng kêu gọi nối lại đàm phán nghiêm túc về vấn đề Triều Tiên
Những lời kêu gọi này đưa ra một ngày sau khi Triều Tiên bác bỏ nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa của nước này. Các cuộc phóng thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên thời gian gần đây và việc Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa liên lục địa có thể chạm tới nước Mỹ khiến Mỹ và các đồng minh khu vực đứng ngồi không yên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫy chào tại lễ diễu binh kỷ niệm sinh nhật lần thứ 105 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung). Ảnh: Sputnik. |
Phản ứng sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 2/6 bỏ phiếu công khai thông qua nghị quyết do Mỹ soạn thảo, theo đó mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên để phản ứng trước các vụ thử tên lửa liên tiếp thời gian qua, Triều Tiên hôm qua (4/6) đã lên tiếng bác bỏ mạnh mẽ, đồng thời khẳng định tiếp tục phát triển các loại vũ khí.
“Bộ Ngoại giao Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên lên án mạnh mẽ và bác bỏ hoàn toàn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như các biện pháp trừng phạt mới. Vì đây là một hành động thù địch nhằm vào các năng lực phòng vệ và bót nghẹt nền kinh tế của Triều Tiên” - Phát thanh viên kênh truyền hình KRT của Triều Tiên nêu rõ.
Toàn bộ 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã nhất trí mở rộng các lệnh trừng phạt để bổ sung 18 cá nhân và thực thể của Triều Tiên vào “danh sách đen” của Liên Hợp Quốc.
Dự thảo nghị quyết này do Mỹ đề xuất và trước khi đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bản an, Mỹ đã đàm phán với Trung Quốc trong 5 tuần. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, Mỹ và Trung Quốc đạt được sự nhất trí về một nghị quyết liên quan đến Triều Tiên.
Mỹ cũng đã thuyết phục được Trung Quốc tiến hành bỏ phiếu công khai nghị quyết này, nhằm nhấn mạnh sự phản đối của Hội đồng Bảo an trước thái độ phớt lờ của Triều Tiên với lệnh cấm thử tên lửa đạn đạo của Liên Hợp Quốc.
Phát biểu tại phiên bế mạc Đối thoại Shangri-La sau 2 ngày làm việc tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 4/6 đề cập về nỗ lực chung giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ông đã giành tới 2/3 thời gian phát biểu của mình để nói về vấn đề Triều Tiên.
“Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rõ ràng rằng kỷ nguyên ‘kiên nhân chiến lược’ với vấn đề Triều Tiên đã chấm dứt”, ông Mattis nói. “Mỹ coi Triều Tiên là một mối đe dọa rõ ràng với an ninh quốc gia. Các hành động của Triều Tiên đã vi phạm và bất chấp luật pháp quốc tế. Do đó, cộng đồng quốc tế đã có sự nhất trí mạnh mẽ để tình hình hiện tại không thể tiếp diễn.”
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin phát biểu tại phiên họp toàn thể Đối thoại Shangri-La cũng đã kêu gọi tất cả các bên liên quan cần nối lại đàm phán trong việc giải quyết tình hình khủng hoảng ở Bán đảo Triều Tiên. Ông Fomin cũng khẳng định điều quan trọng là không để cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên vượt khỏi tầm kiểm soát.
Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cùng ngày cũng kêu gọi Triều Tiên ngừng các hành động hay tuyên bố gây bất ổn, đồng thời có lựa chọn chiến lược là hoàn tất các cam kết và nghĩa vụ quốc tế cũng như quay trở lại với các cuộc đàm phán nghiêm túc.
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang từng ngày sau khi Triều Tiên tiến hành loạt vụ thử tên lửa trong thời gian ngắn vừa qua. Trong đó, Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa liên lục địa có thể chạm tới đất Mỹ đã khiến Mỹ và các đồng minh khu vực không thể ngồi yên.
Các đội tàu tác chiến của Mỹ đã hiện diện trong vùng biển gần bán đảo Triều Tiên để tập trận cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ cũng thông báo diễn tập thành công việc đánh chặn tên lửa liên lục địa.
Trong khi đó, bên cạnh tập trận chung, Nhật Bản hôm qua tổ chức diễn tập dân sự trong tình huống bị tấn công tên lửa. Cuộc diễn tập sơ tán người dân được tổ chức tại thị trấn Abu, nơi có 3.500 cư dân, thuộc tỉnh Yamaguchi, cách thủ đô Tokyo khoảng 760km về phía Tây. Hơn 100 học sinh tiểu học tại thị trấn Abu cùng các bậc phụ huynh đã tham gia cuộc diễn tập sơ tán này, vốn là viễn cảnh mà họ không bao giờ mong muốn sẽ xảy ra./.