Cuộc nội chiến Syria dường như đang ngã ngũ nhưng mối lo ngại của Israel lại ngày càng tăng khi Nga bất ngờ thông báo sẽ giao cho Syria quyền kiểm soát hoàn toàn hệ thống phòng không S-300 tân tiến có khả năng đe dọa đến các chiến đấu cơ của Israel.

du cuoc gap chua co tien le nga my hoa giai cang thang israel syria
Hệ thống phòng không S-300. Ảnh: Breaking Defence

Nỗi lo ấy không chỉ là trên lý thuyết khi mà các chiến đấu cơ của Israel đang tấn công nhiều mục tiêu được cho là của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này, cũng như các căn cứ quân sự của Syria. Chỉ riêng tuần trước đã có 10 binh lính Syria và Hezbollah thiệt mạng trong các cuộc không kích này.

Để hạ nhiệt căng thẳng đang nóng lên từng ngày giữa Syria và Israel, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump - ông John Bolton sẽ sớm tới Jerusalem để gặp những người đồng cấp Nga và Israel trong một cuộc gặp 3 bên vào tháng 6 này. Ông Bolton được cho là một người có quan điểm cứng rắn, hơn là theo đường lối ngoại giao mềm dẻo nhưng những mối quan tâm của Mỹ và Nga về Iran có thể đem tới khả năng về một tiếng nói đồng thuận của 2 nước trong việc giải quyết tình hình Syria.

Ngày 4/6, một quan chức Mỹ cho biết Washington tin rằng Moscow sẽ có trách nhiệm hơn trước đây trong việc giải quyết những lo ngại của Mỹ và Israel về ảnh hưởng của Iran ở Syria. Quan chức này cũng miêu tả cuộc gặp 3 bên Mỹ-Nga-Israel là "một cơ hội ngoại giao chưa từng có tiền lệ" để thảo luận về tình hình Syria - nơi mà cả 3 nước đều có các hoạt động quân sự ở đây".

Mối đe dọa S-300

Cho tới cuối mùa thu năm 2018, hệ thống phòng không Syria chủ yếu sử dụng các tên lửa Liên Xô chế tạo như SA-2, SA-5, SA-6 và một số sản phẩm hiện đại khác của Nga như Sa-17 (Buk) và SA-22 (Pantsir). Tuy nhiên, tháng 10/2019, Nga đã giao cho Syria S-300 - hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tân tiến hiện nay, sánh ngang với hệ thống Patriot của Mỹ. Nga cũng từng triển khai một số hệ thống S-300 ở Syria để bảo vệ các căn cứ của mình tại đây cũng như bán một vài hệ thống cho Iran. Trên thực tế, S-300 có khả năng tấn công và hạ gục các mục tiêu của Israel.

Mặc dù Nga đang huấn luyện quân đội Syria vận hành S-300 nhưng các quân nhân Nga vẫn kiểm soát hệ thống phòng thủ này và họ chưa bao giờ giao chiến với các chiến đấu cơ và tên lửa của Israel.

Tuy nhiên, tình hình sẽ thay đổi khi Nga giao cho Syria kiểm soát hoàn toàn S-300 - một động thái khiến Israel phản đối. Một nguồn tin quốc phòng của Israel nhận định, nếu Nga giao S-300 cho Syria thì không chỉ máy bay quân sự mà cả máy bay dân sự của nước này cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro. Nguồn tin này cũng dẫn ra sự cố phòng không Syria từng bắn nhầm máy bay tình báo IL-20M của Nga hồi tháng 9/2018 khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng.

Cuộc gặp chưa từng có tiền lệ

Khi căng thẳng Syria - Israel có nguy cơ leo thang, Thủ tướng Israel Netanyahu lần đầu tiên đề xuất một cuộc gặp 3 bên Mỹ - Nga - Israel sau khi ông gặp Tổng thống Putin tại điện Kremlin hồi tháng 2/2019.

Gần đây, Nhà Trắng cùng đưa ra thông báo chính thức rằng Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cùng những người đồng cấp Israel Meir Ben-Shabbat và Nga là Nikolay Patrushev sẽ có cuộc gặp tại Jerusalem để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực trong tháng 6/2019. Thủ tướng Netanyahu đã gọi đây là một cuộc gặp "chưa từng có tiền lệ".

Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Israel, thậm chí dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem nhưng ông vẫn chưa có một lập trường thống nhất về vai trò của Mỹ ở Syria. Hồi tháng 12/2018, Tổng thống Mỹ bất ngờ đưa ra tuyên bố Washington sẽ nhanh chóng rút khỏi Syria. Thông báo này khiến các chuyên gia Mỹ và Israel lo ngại nếu Mỹ rút quân, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - một đồng minh sát cánh cùng Mỹ trong cuộc chiến chống IS, sẽ bị đe dọa.

Một báo cáo gần đây từ Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia đặt tại Tel Aviv nhận định việc Mỹ rút quân khỏi Syria sẽ khiến Iran tăng cường kiểm soát cả 2 phía của biên giới Syria - Iraq - nơi mà Tehran đang thúc đẩy việc xây dựng các cơ sở hạ tầng để ủng hộ các lực lượng ủy nhiệm ở cả 2 nước Trung Đông này. Tuy nhiên, các học giả của viện nghiên cứu này cũng cho rằng "tình hình này khiến Nga cũng mấy vui vẻ bởi điều đó không chỉ khiến Moscow suy giảm vai trò quan trọng trong cuộc chiến giành ảnh hưởng ở Syria mà còn khiến quyền kiểm soát các mỏ năng lượng ở phía đông Syria rơi vào tay Iran". Do đó, dù khác biệt trong nhiều vấn đề nhưng kiềm chế Iran sẽ là cơ hội để Mỹ và Nga hợp tác toàn diện với nhau nhằm giải quyết tình hình ở Syria.

Một điểm đáng lưu ý là gần đây, Nga đã từ chối bán hệ thống phòng không S-400 cho Iran với lý do một động thái như vậy sẽ làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Đây rõ ràng là một cú "thở phào nhẹ nhõm" cho Israel, Saudi Arabia và có lẽ cả Mỹ nữa.

Hội nghị 3 bên "chưa từng có tiền lệ" Mỹ - Nga - Israel liệu có thể "hóa giải" căng thẳng Israel-Syria và đem đến 1 giải pháp hòa bình cho quốc gia Trung Đông sau 8 năm nội chiến này? Và giả sử, nếu cả 3 bên thành công trong việc "đánh bật" ảnh hưởng của Iran khỏi Syria, viễn cảnh nào sẽ chờ đợi Damascus?

Theo nhà phân tích Ali Bakeer nhận định trên trang Al Jazeera, viễn cảnh lạc quan nhất là Nga sẽ buộc Tổng thống Assad phải chấp nhận một giải pháp chính trị qua tiến trình Astana. Hoặc theo một viễn cảnh thực tế hơn, Nga sẽ thúc đẩy các cuộc giao tranh ở phía bắc Syria nhằm xóa sổ các nhóm đối lập và tăng cường sự kiểm soát khắp Syria, cũng như đưa Tổng thống Assad vào "quỹ đạo ảnh hưởng" của mình./.