New Zealand viện trợ 2,8 triệu USD cải thiện đời sống người dân nghèo
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews tới thăm người dân Hoàng Hóa, Quảng Trị. (Ảnh: BTC) |
Dự án EMEE nhằm tạo ra một nền tảng vững chắc cho các cộng đồng dân tộc thiểu số, hướng tới cải thiện phúc lợi kinh tế tới 1.200 hộ dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị thông qua việc sử dụng các yếu tố thúc đẩy thị trường, các chương trình tiết kiệm, kỹ thuật canh tác bền vững, phát triển kinh doanh và hợp tác với khối nhà nước hoặc tư nhân.
Theo đó, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới chịu trách nhiệm thực hiện dự án 2,8 triệu USD này trong 5 năm, dưới sự hỗ trợ của Chương trình Viện trợ New Zealand.
Dự án đã sử dụng cách tiếp cận phát triển chuỗi giá trị địa phương, giúp các hộ gia đình sản xuất và nông dân yếu thế phân tích thị trường, thu thập thông tin, xây dựng mối quan hệ với người mua, cùng hành động để vượt qua rào cản thị trường và tăng lợi nhuận thông qua việc hình thành các nhóm và tham gia các khoá đào tạo.
Dự án đã tác động đến cả khía cạnh kỹ thuật (chọn trồng loại cây trồng) và con người (làm theo nhóm, phối hợp với các phần khác của chuỗi giá trị).
Bên cạnh đó, Dự án cũng giới thiệu thành công tới cộng đồng mô hình Nhóm tiết kiệm tự quản để người dân bắt đầu tiết kiệm và tiếp cận các khoản vay một cách an toàn, đáng tin cậy và hợp lý.
Ngày 19/4, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews và Trưởng Đại diện tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam, bà Trần Thu Huyền đã có chuyến thăm và gặp gỡ chính quyền địa phương, người dân được hưởng lợi trực tiếp tại huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.
Tại đây, ông Hoàng Đức Quyền - Quản lý Dự án EMEE cho biết, "việc áp dụng các công nghệ mới và sự hiểu biết tốt hơn của người nông dân về mối liên hệ nguyên nhân - hệ quả giữa chất lượng sản phẩm và thu nhập ổn định, chất lượng các sản phẩm nông lâm kết hợp ở địa phương, đặc biệt là hạt cà phê đã được cải thiện đáng kể. Khi uy tín của sản phẩm được nâng cao, cà phê Hướng Hoá dần trở nên hấp dẫn hơn trên thị trường và hiện đang được thu mua với giá cao hơn giá thị trường để xuất khẩu sang các nước châu Âu như Đức, Italy và Hà Lan. "
Như vậy, các hộ nghèo nhất đã được hưởng lợi trực tiếp từ dự án thông qua việc tham gia vào 52 Nhóm sản xuất. Cụ thể, 3.448 hộ gia đình tại 6 xã địa bàn dự án đã nhận được những hỗ trợ gián tiếp thông qua các hình thức trao đổi thông tin, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan.
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews chia, “Nhiều năm qua, New Zealand đã hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam thông qua các Chương trình Viện trợ Phát triển. Thông qua các quy trình và công nghệ tiên tiến nhưng đơn giản, chúng tôi hy vọng có thể hỗ trợ Việt Nam với các giải pháp thông minh, có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của người nông dân."
Trong chuyến thăm này, Trưởng Đại diện của tổ chức Tầm nhìn Thế giới, bà Trần Thu Huyền nhấn mạnh: "Sự hợp tác giữa tổ chức Tầm nhìn Thế giới và Chương trình Viện trợ Phát triển New Zealand trong khuôn khổ dự án EMEE đã mở ra cánh cửa mới cho các nỗ lực giảm nghèo trong cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là với nữ giới. Dự án cũng tạo cơ hội cho tất cả các nhóm trong xã hội, bao gồm doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các chuyên gia kỹ thuật và nông dân làm việc cùng nhau với mục đích chung là chấm dứt đói nghèo ở Việt Nam. Hy vọng rằng tất cả những can thiệp này cũng sẽ giúp giải quyết các vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em ở Hướng Hoá"./.