New Zealand bàn giải pháp kiểm soát súng: Dư luận đồng tình
Đây được xem là một nỗ lực của Chính phủ New Zealand nhằm tránh tái diễn các thảm kịch xảy ra tại hai đền thờ Hồi giáo ở Christchurch hôm 15/3 vừa qua. Cam kết của Chính phủ đã ngay lập tức nhận được sự đón nhận của người dân New Zealand.
Cam kết tìm ra giải pháp kiểm soát súng của Chính phủ đã ngay lập tức nhận được sự đón nhận của người dân New Zealand. Ảnh: New York Times |
Với cam kết thắt chặt luật kiểm soát súng đạn, Thủ tướng Ardern cho biết, nội các New Zealand sẽ cân nhắc chi tiết những thay đổi của luật trong cuộc họp ngày 18/3. Bà Ardern nhấn mạnh, Chính phủ sẽ cân nhắc một loạt các lựa chọn, kể cả lệnh cấm sở hữu loại súng bán tự động như nghi phạm Brenton Harrison Tarrant đã sử dụng trong vụ tấn công, nhằm tránh để xảy ra các thảm kịch tương tự.
“Tôi có cảm nhận như những gì tất cả người dân New Zealand đều cảm thấy lúc này. Mọi người ai cũng đau buồn và tôi cũng đau buồn như các bạn song chúng ta còn có việc quan trọng để làm. Tôi cần đảm bảo rằng, chúng ta có thể bảo vệ được những người bị ảnh hưởng, đảm bảo rằng họ sẽ được hỗ trợ trong những ngày tới, những tháng tới hoặc những năm tới. Đó là điều chúng ta cần tập trung lúc này. Tôi sẽ có một số đề xuất với nội các trong cuộc họp. Tôi không muốn đề cập trước song tôi đảm bảo với các bạn rằng, luật kiểm soát súng đạn của chúng ta sẽ thay đổi”, Thủ tướng Ardern nói.
Cam kết của nữ Thủ tướng đã nhận được sự đón nhận của người dân. Anh Akshesh Sharma, một người dân New Zealand cho biết, anh thực sự bị sốc khi biết rằng, kẻ xả súng lại có trong tay loại vũ khí theo kiểu nhà binh.
Anh hoàn toàn đồng ý với quyết định kiểm soát chặt chẽ luật kiểm soát súng đạn của nhà chức trách: “Tôi mong rằng, việc sở hữu súng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Người dân sẽ không dễ dàng có được súng vì một người có thể gây ra nguy hiểm chỉ trong vòng 1 giờ, cùng lúc đến 2 địa điểm và sát hại 50 người, làm bị thương nhiều người khác. Nếu không dễ dàng có được súng, tôi cho rằng thảm kịch sẽ không xảy ra.”
Còn với anh Dawson – một nhân chứng may mắn thoát chết trong vụ tấn công ở nhà thờ Linwood, anh hy vọng, Chính phủ New Zealand sẽ đi theo cách thức kiểm soát súng đạn mà nước láng giềng Australia từng áp dụng: “Cá nhân tôi không cho rằng cần hợp pháp hóa việc sử dụng súng. Có thể trong một số trường hợp súng đạn là để bảo vệ song tôi không cho rằng, chúng ta cần những loại vũ khí như vậy. New Zealand không phải là nước Mỹ. Tình hình nước Mỹ khác chúng ta. Ở Mỹ có thể sẽ là nguy hiểm nếu mọi người không được sử dụng súng song ở đây, chúng ta không cần đến súng”.
Tại Australia, một lệnh cấm gần như toàn bộ quyền sở hữu tư nhân đối với súng bán tự động và mua lại súng đã góp phần cắt giảm được 1 phần 3 việc sở hữu súng trong dân. Lệnh cấm được ban hành sau vụ thảm sát năm 1996 khi một tay súng đã sử dụng súng tấn công, sát hại 35 người ở bang Tasmania.
Trong lúc này, ba ngày sau vụ tấn công đẫm máu khiến dư luận New Zealand và thế giới không khỏi phẫn nộ, các hoạt động điều tra và tưởng niệm nạn nhân vẫn tiếp tục diễn ra. Để hỗ trợ nhà chức trách New Zealand điều tra và mở rộng vụ xả súng hàng loạt tại các đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch hôm 15/3 vừa qua, sáng nay, Lực lượng Chống khủng bố chung ở bang New South Wale của Australia đã tiến hành khám xét một ngôi nhà ở thị trấn Sandy Beach, gần thành phố Coffs Harbour. Không lâu sau đó, một lệnh khám xét tương tự cũng được thực hiện tại một ngôi nhà ở thị trấn Lawrence gần thị trấn Maclean. Cả hai địa điểm này đều ở gần thị trấn Grafton - nơi thủ phạm xả súng Tarrant từng sinh sống.
Tại New Zealand, hàng nghìn người hôm qua vẫn kéo đến các khu vực tưởng niệm ở Christchurch để thắp nến, đặt hoa cho các nạn nhân vụ xả súng. Cho đến nay, danh tính các nạn nhân chưa được công bố nhưng có nhiều người nước ngoài quốc tịch Indonesia, Malaysia, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ... được cho là có mặt tại các nhà thờ khi hai vụ xả súng xảy ra. Dự kiến, việc trao trả thi thể các nạn nhân cho gia đình của họ sẽ được hoàn tất vào ngày 20/3 tới./.