Nâng tuổi nghỉ hưu có phải là giải pháp tối ưu để đảm bảo quỹ BHXH?
Câu chuyện về quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) luôn là tâm điểm của dư luận thời gian vừa qua. Nhiều chuyên gia nhận định, nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH khi chi phí quản lý quá lớn, do đó BHXH đã phải tính đến giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu để bảo đảm an toàn cho quỹ.
Vì sao mất cân đối quỹ BHXH?
Tại buổi tọa trực tuyến với chủ đề “Quản lý quỹ BHXH: Đã thực sự hiệu quả?” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức sáng 11/3, ông Bùi Sĩ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, người dân luôn quan tâm đến vấn đề bản chất của chính sách BHXH, BHYT.
Khi thấy chi phí hành chính năm sau tăng so với năm trước thì dư luận có quyền băn khoăn. Điều quan trọng là cách lý giải, việc tăng đó có hợp lý hay không, đáp ứng được yêu cầu quản lý hay không?
Các khách mời tham gia chương trình |
Ông Bùi Sĩ Lợi khẳng định, chi phí quản lý BHXH Việt Nam được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết, giao chi phí đó không quá 2,3% so với tổng số thu - số chi và được lấy trong đầu tư tăng trưởng quỹ, không phải lấy từ quỹ BHXH.
Tại sao chi phí tăng? Nguyên nhân do khi chúng ta bắt đầu mở rộng đối tượng, đã tăng thêm mấy triệu người tham gia BHXH, BHYT cho nên chi phí phải tăng lên. Chúng ta phấn đấu phủ sóng BHYT 80% dân số, hiện đã đạt 81,7% và đây là cố gắng lớn.
“Năm 2016 so với 2015 tăng hơn 1 triệu người vào hệ thống BHXH, do đó chi phí phải tăng lên. Tăng chi phí nhưng đáp ứng được yêu cầu quản lý. Đến giờ phút này, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào quỹ kết dư của BHXH, BH thất nghiệp là 50.000 tỷ đồng; cả kết dư của quỹ tai nạn nghề nghiệp” – ông Bùi Sĩ Lợi nói.
Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định, BHXH đang đi đến mục tiêu là đóng – hưởng. Có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp; phải thực hiện nguyên tắc BHXH chỉ có chia sẻ giữa các thế hệ, còn lương của ai người đó phải được hưởng. Đóng BHXH không phải như gửi tiết kiệm, bởi BHXH là một cơ chế đóng – hưởng đúng như quỹ tiết kiệm của người dân, nhưng được Nhà nước bảo hộ.
Thế nên trong vòng mười mấy năm, chúng ta tăng 9 lần tiền lương của người về hưu để bù đắp, đảm bảo đời sống tối thiểu của người dân. Đặc biệt, người nghỉ hưu được Nhà nước cấp thẻ BHYT, điều này rất quan trọng với người già.
Nâng tuổi nghỉ hưu có phải là vấn đề căn cơ?
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, nhiều tổ chức dự báo quỹ hưu trí của Việt Nam đến một thời điểm nào đó sẽ mất cân đối, có thể vào 2031 hoặc chậm hơn nếu chúng ta sửa đổi chính sách.
Lý do thứ nhất, do quan hệ đóng – hưởng.
Mức đóng của ta cũng khá cao là 22%, nhưng mức hưởng cũng cao nhất thế giới là 75%, gần như không có nước nào trên thế giới hưởng mức như thế này.
Thứ 2 là tỷ lệ tích lũy. Ví dụ nam giới tham gia 20 năm BHXH thì mức tối thiểu 45%, tăng thêm mỗi năm đóng BHXH cộng thêm 2%; tỷ lệ này cũng gần như cao nhất thế giới, khi các nước xung quanh chỉ khoảng 1%.
Nâng tuổi nghỉ hưu không phải là giải pháp tối ưu bảo đảm quỹ BHXH (Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí BHXH) |
Thứ 3, đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí 22% tiền lương cả của doanh nghiệp và người lao động. Một người 30 năm tham gia BHXH, mỗi năm đóng 22% thì đóng 66 tháng lương vào đó. Khi về hưu họ hưởng 75%, tức là nếu không có lãi suất thì chỉ đủ trả cho 88 tháng hưởng lương; nếu cộng tất cả lãi suất đầu tư có thể trả tối đa đến 120 tháng, tương đương 10 năm sau khi về hưu.
Trong khi 1 người nghỉ hưu ở tuổi 60, với tuổi thọ bình quân thì hy vọng sống thêm trung bình là 19 năm. Phần đóng BHXH chỉ đủ trả lương hưu cho 10 năm, 9 năm còn lại quỹ BHXH phải chi trả. Âm hay không là ở chỗ này. Do đó, ở đây là mất cân đối chủ yếu là quan hệ đóng – hưởng.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thừa nhận: “Một trong những giải pháp là nâng tuổi nghỉ hưu. Nếu 1 người tham gia vào quỹ BHXH thêm 2 năm thì phần đó ít nhất trả cho lương hưu được 2 năm, đồng thời 2 năm không hưởng hưu trí nữa là 4 năm. Nhưng hiện nay mất cân đối khoảng 9 năm, cho nên dù có tăng tuổi nghỉ hưu lên thêm 2 – 3 năm cũng chỉ giải quyết được 1 phần của chuyện mất cân đối".
Do đó cần nhiều giải pháp khác như giảm thiểu tình trạng trốn đóng, nợ đóng, chia sẻ giữa các thế hệ; tăng lợi tức đầu tư để quỹ có thể bảo tồn và phát triển được; chi phí quản lý cũng phải sử dụng hiệu quả… Hiện nay, hầu hết các nước nâng tuổi nghỉ hưu lên 67 tuổi, do đó nâng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp làm giảm mất cân đối.
Ông Bùi Sĩ Lợi cũng nhấn mạnh: “Nâng tuổi nghỉ hưu không phải là giải pháp tối ưu. Rõ ràng có tác động đến mất cân bằng quỹ, nhưng nếu nâng lên nam 65, nữ 60 thì bài toán mất cân bằng quỹ vẫn có thể diễn ra trong tương lai. Do đó phải đồng bộ tất cả các giải pháp”.
Theo ông Bùi Sĩ Lợi, dứt khoát phải nâng tuổi nghỉ hưu nhưng cần phải có lộ trình. Song bây giờ cần tạo tâm thế cho người lao động. “Trong Bộ luật lao động, tôi muốn Chính phủ phải nên tính toán về lộ trình, bước đi, nhóm nào nâng trước, nâng sau.
Tìm được người có chuyên môn cao, kỹ năng giỏi như giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ giỏi… ở lại để giúp đất nước là quá tốt. Nhưng nếu như người không có chuyên môn, năng lực yếu mà ở lại thì là bước cản. Làm sao để hai bên thấy “tôi cần anh, anh cần tôi”, còn nếu không cần nhau thì nghỉ hưu là đúng” – ông Bùi Sĩ Lợi nói./.