Theo Đại tá Nguyễn Đình Hinh, Phó trưởng phòng Quản lý nhà giáo và Khoa học quân sự (Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu): Hoạt động NCKH, SKCTKT là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ĐNNG trong các nhà trường quân đội. 5 năm (2011-2016), ĐNNG các trường quân đội đã nghiên cứu thành công 248 đề tài, 182 sáng kiến cấp Bộ Tổng tham mưu, trong đó có 80,24% số đề tài và 78,57% số sáng kiến được hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc. Tại Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện toàn quân năm 2016, các nhà trường quân đội đã có 26 sản phẩm từ các đề tài NCKH, SKCTKT được trao giải thưởng. Ghi nhận những kết quả trên, Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu cũng đã khen thưởng cho hàng chục tập thể và hơn 100 cá nhân có thành tích xuất sắc.

Tìm hiểu thực tế tại các nhà trường, chúng tôi nhận thấy: Phong trào NCKH của ĐNNG phát triển khá sôi nổi, đồng đều, rộng khắp, nội dung nghiên cứu phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực, từ cấp cơ sở đến cấp bộ, ngành và cấp Nhà nước. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình nhiệm vụ, yêu cầu thực tiễn, mỗi trường đều đã phát huy thế mạnh ĐNNG vào từng lĩnh vực nghiên cứu cụ thể. Nếu như ĐNNG của Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Trường Sĩ quan Lục quân 2 phát huy thế mạnh nghiên cứu tài liệu, giáo trình phục vụ “chuẩn hóa” tài liệu huấn luyện điều lệnh, kỹ thuật, chiến thuật cho toàn quân, thì ĐNNG của Học viện Quân y, Học viện Hậu cần, Học viện Kỹ thuật quân sự... lại đi sâu nghiên cứu về y học, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật quân sự rất có hiệu quả. Chỉ riêng Học viện Kỹ thuật quân sự, trong giai đoạn 2006-2015, đã chủ trì, tham gia thực hiện thành công 174 đề tài, nhiệm vụ, dự án khoa học công nghệ cấp Nhà nước, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, cùng hơn 400 đề tài, nhiệm vụ NCKH cấp cơ sở. ĐNNG còn hướng dẫn, giúp đỡ học viên, sinh viên thực hiện hàng nghìn đề tài, sáng kiến, trong đó có nhiều sản phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi toàn quân, toàn quốc. Hàng chục sản phẩm có chất lượng tốt, phục vụ huấn luyện, SSCĐ, bảo đảm kỹ thuật của toàn quân, như: Trường bắn ảo, thiết bị bắn tập súng bộ binh, thiết bị hỗ trợ huấn luyện xạ kích súng, pháo phòng không, thiết bị thông thoại trên tàu, kính ngắm bắn nhanh cho AK, kính ngắm bắn đêm, ra-đa HR... Kết quả trên cũng đã được ghi nhận bằng giải nhất toàn đoàn tại Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện toàn quân năm 2016.

nang cao hieu qua nghien cuu khoa hoc cua doi ngu nha giao quan doi
Thiết bị kiểm tra kết quả huấn luyện bắn pháo phòng không 37mm do giảng viên Khoa Vũ khí (Học viện Kỹ thuật quân sự) nghiên cứu, chế tạo.

Có thể nói việc triển khai NCKH thời gian qua đã góp phần bồi dưỡng, nâng cao chất lượng ĐNNG trong các nhà trường. Quá trình NCKH giúp cho ĐNNG có điều kiện thực nghiệm, hình thành kỹ năng, rèn luyện tác phong công tác, tư duy khoa học, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn trong giảng dạy, công tác và phấn đấu đạt chuẩn các chức danh của nhà giáo theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Quá trình đó đã từng bước xây dựng, bổ sung, phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia NCKH chuyên sâu, đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, phục vụ thiết thực yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội...

Với ĐNNG đông đảo, trình độ học vấn, học hàm, học vị ngày càng cao, để tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp GD-ĐT và nhiệm vụ của quân đội, thời gian tới, cơ quan quản lý và các nhà trường cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai những giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả. Các nhà trường cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong các công tác NCKH, SKCTKT. Trong kế hoạch hằng năm, từng trường cần xác định rõ các chỉ tiêu, nội dung và giải pháp cụ thể để tổ chức chặt chẽ các hoạt động khoa học, nghiên cứu đề tài, sáng kiến ở các cấp bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu đề ra. Đại tá Khuất Đức Hòa, cán bộ Phòng Quản lý nhà giáo và Khoa học quân sự đề xuất: Các trường cần khuyến khích, hỗ trợ ĐNNG cả về tinh thần và vật chất, kinh phí, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để các nhà giáo nghiên cứu, đưa ra được nhiều đề tài, sảm phẩm khoa học giá trị. Sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị, nhà trường trong công tác NCKH sẽ tạo điều kiện mở rộng phạm vi, đối tượng, nội dung nghiên cứu đa dạng hơn cho ĐNNG. Bên cạnh sự quan tâm của các nhà trường, bản thân mỗi nhà giáo cũng cần phải nỗ lực phấn đấu, tự học để nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là về trình độ ngoại ngữ, tin học, tiếp cận vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, bám sát cơ sở, nắm bắt nhu cầu thực tiễn, có tư duy, phương pháp NCKH, kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy với NCKH có chất lượng, hiệu quả cao...