Nâng cao chất lượng đời sống vùng dân tộc thiểu số ở thành phố Phổ Yên
Hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo dân tộc thiểu số là một nội dung trong chính sách dân tộc được các địa phương ở thành phố Phổ Yên triển khai hiệu quả.

Căn nhà của gia đình anh Hoàng Văn Thịnh, dân tộc Sán Dìu, ở xóm Đèo Nứa, xã Thành Công nhiều năm nay đã xuống cấp. Tuy nhiên, do thu nhập không ổn định mà nhiều năm nay vẫn là hộ nghèo ở địa phương, không đủ kinh phí để xây dựng nhà. Đến đầu năm 2024, được sự hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc miền núi, anh Thịnh đã có thể dần hoàn thiện ngôi nhà của mình. Nguồn lực hỗ trợ này đã góp phần giúp gia đình dựng nơi an cư để lạc nghiệp.

Anh Hoàng Văn Thịnh, xóm Đèo Nứa, xã Thành Công, thành phố Phổ Yên chia sẻ: "Được hỗ trợ từ xã, thành phố, gia đình tôi xây được nhà, gia đình tôi rất cảm ơn".

Hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo dân tộc thiểu số là một nội dung trong chính sách dân tộc được các địa phương ở thành phố Phổ Yên triển khai hiệu quả. Cùng với đó là các chính sách về giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động, vốn vay chính sách. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc của thành phố Phổ Yên giảm nhanh. Hiện số nghèo dân tộc thiểu số còn 156 hộ, chiếm tỷ lệ 3,63%, Hộ cận nghèo dân tộc thiểu số còn 192 hộ, chiếm 4,47%. Từ nguồn vốn chính sách của Nhà nước đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương điển hình là đồng bào dân tộc trong phát triển kinh tế.

Ông Lưu Văn Mão, xóm Sim Lồng, xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên cho hay: "Trước đây, cuộc sống còn khó khăn. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, chính quyền xã, có nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển mô hình chăn nuôi, thu nhập từ nuôi lợn khoảng 2 tỷ đồng/năm".

Nâng cao chất lượng đời sống vùng dân tộc thiểu số ở thành phố Phổ Yên
Cùng với giảm nghèo, hạ tầng cơ sở ở vùng dân tộc của thành phố Phổ Yên được đồng bộ.

Cùng với giảm nghèo, hạ tầng cơ sở ở vùng dân tộc của thành phố Phổ Yên được đồng bộ. Đến nay, 100% xóm có điện lưới quốc gia; 100% đường đến trung tâm các xã, phường được cứng hóa; tỷ lệ dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 98,2%; 296/296 xóm, tổ dân phố có nhà văn hoá; 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là trên 3.900 tỷ đồng. 5 năm qua, đã có trên 370km đường giao thông nông thôn được triển khai với tổng kinh phí trên 580 tỷ đồng. Các địa phương vùng dân tộc miền núi ở Phổ Yên đều đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới ở một mức cao hơn so với bình quân chung của tỉnh.

Ông Trần Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công, thành phố Phổ Yên cho hay: "Trong những năm qua có 8 xóm người dân tộc đều được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như các văn bản, xã cũng triển khai đồng bộ kịp thời, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm, hạ tầng ngày càng khang trang".

Ông Đỗ Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên cho biết: "Bộ mặt nông thôn xã Phúc Thuận đã "thay da đổi thịt", đóng góp vào sự phát triển chung và góp phần để địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2023; phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024".

Ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phổ Yên nhấn mạnh: "Thời gian tới, TP Phổ Yên tiếp tục bám sát chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là tỉnh Thái Nguyên, trong đó cụ thể hoá chính sách định hướng phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng để bà con dân tộc thiểu số được ưu tiên tuyển dụng lao động vào các dự án lớn. Chúng tôi cũng chú trọng duy tu, bảo dưỡng, bảo tồn các điểm di tích văn hoá phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số".

Năng động, linh hoạt triển khai các chính sách dân tộc của Nhà nước, đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, hiệu quả, toàn diện, đó là cách làm hiệu quả của thành phố Phổ Yên nhằm đổi thay bộ mặt nông thôn miền núi ở những vùng khó của địa phương, góp phần vào sự khởi sắc của một địa phương công nghiệp năng động, phát triển nhanh, mạnh. Thành công này đã minh chứng cho quan điểm thống nhất mà thành phố đặt ra đối với nhân dân các dân tộc ở địa phương là: đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế tiềm năng để hội nhập và phát triển bền vững./.