Một loạt địa phương “bán rẻ” đất đai, gây thất thoát ngân sách cả nghìn tỷ
Hà Nội là một trong những địa phương có bất cập trong việc quản lý, sử dụng đất dự án khu đô thị giai đoạn 2013 - 2016. (Ảnh minh hoạ) |
Bán “rẻ” đất cho chủ đầu tư
Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất dự án khu đô thị giai đoạn 2013 – 2016 tại 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, TP.HCM, thị xã Cam Ranh tỉnh Khánh Hoà, TP. Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa và chọn mẫu đối chiếu tại 30 địa phương.
Theo nguồn tin của Dân trí, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo về việc hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý sử dụng đất đai liên quan đến kết quả kiểm toán nói trên. Theo đó, một loạt sai sót, hạn chế và bất cập trong công tác quản lý đất đã được chỉ rõ.
Đáng lưu ý là về việc xác định giá đất. Cụ thể theo cơ quan kiểm toán, việc giao đất thực hiện các dự án chủ yếu theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không thông qua đấu giá tiền sử dụng đất nên không xác định được giá thị trường.
Đặc biệt, giá đất xác định theo các phương pháp do các địa phương lựa chọn thường thấp hơn giá thị trường dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư số 36 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn xác định giá đất thì có 5 phương pháp xác định giá đất. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi địa phương áp dụng một phương pháp xác định giá đất khác nhau, hoặc áp dụng cùng một phương pháp nhưng cách hiểu khác nhau dẫn đến xác định số tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách khác nhau.
Thậm chí, tại cùng một địa phương còn có chênh lệch lớn về giá trị khu đất khi áp dụng các phương pháp khác nhau dẫn đến thất thoát ngân sách.
Ngoài ra, việc xác định giá đất của các địa phương còn nhiều sai sót, hạn chế gây thất thoát ngân sách nhà nước, như áp dụng phương pháp xác định giá đất không phù hợp, áp dụng sai thời điểm, không kịp thời xác định nghĩa vụ tài chính hoặc điều chỉnh lại đơn giá tính tiền sử dụng thuê đất, thay đổi mục đích sử dụng đất làm tăng giá trị tiền sử dụng đất nhưng chưa kiểm tra, rà soát để xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung của chủ đầu tư…
Về công tác giao đất, một số địa phương không thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà ban hành văn bản công nhận chủ đầy tư theo hình thức chỉ định, vi phạm Luật Đầu thầu.
Ngoài ra, việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với một số dự án không đúng theo đối tượng theo Quyết định số 09 và Quyết định số 86 của Thủ tướng Chính phủ; cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở đô thị nhưng không đảm bảo thủ tục và cơ sở pháp lý.
Thậm chí, cho phép điều chỉnh mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ không đúng thẩm quyền, giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với đất thương mại dịch vụ (thuộc đối tượng thuê đất), không phù hợp quy định của Luật Đất đai 2013.
“Giao đất không có trong kế hoạch sử dụng đất hoặc giao đất khi văn bản chấp thuận đầu tư hết hiệu lực; cho phép chuyển từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất từ thương mại dịch vụ sang đất ở không hình thành đơn vị ở, xác định người mua biệt thự, căn hộ gắn liền với quyền sử dụng đất (đất ở không hình thành đơn vị ở) được sử dụng đất ổn định lâu dài, chưa phù hợp với Luật Đất đai năm 2013”, báo cáo Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
“Băm nát” quy hoạch
Bên cạnh những sai sót trong công tác giao đất, xác định giá đất, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ những sai sót, bất cập trong việc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch.
Cụ thể, việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất còn chưa sát với nhu cầu, tình hình sử dụng đất thực tế, chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết còn yếu kém nên quá trình triền khai thực hiện dự án phải điều chỉnh nhiều do trùng lắp quy hoạch với các dự án khác hoặc không phù hợp với quy hoạch…
Một số chỉ tiêu quy hoạch xây dựng chưa đảm bảo theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam và các quy định hiện hành, như: Diện tích xây dựng trường học, y tế không đủ nhu cầu tại chỗ, bố trí đất làm bài đỗ xe, cây xanh thiếu so với quy định, khoảng cách giữa các dãy nhà cao tầng chưa đảm bảo mức tối thiểu…
Đáng lưu ý, cơ quan kiểm toán cho biết, một số dự án phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch nhưng không tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bộ, ngành chức năng dẫn đến một số chỉ tiêu không phù hợp quy đinh, phê duyệt quy hoạch 1/500 không tuân thủ quy hoạch 1/2000 được duyệt dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung.
Việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết còn trường hợp không đúng thẩm quyền, một số địa phương còn điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch của một số dự án tại các thành phố lớn không căn cứ vào định hướng quy hoạch chung, còn bất cập.
Cụ thể như việc tăng số tầng, vượt quá số tầng và chiều cao tầng theo quy định, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng, giảm diện tích công cộng, cây xanh đã làm cho mật độ và số lượng dân số tăng.
“Đây là yếu tố cơ bản gây áp lực lớn tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là giao thông đô thị, y tế, giáo dục làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của cộng đồng dân cư”, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 8.323 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN của các dự án được kiểm toán là 3.978 tỷ đồng; kiến nghị các địa phương xem xét xử lý hoặc xác định lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm mà Kiểm toán Nhà nước tạm xác định là 4.337 tỷ đồng